- Tính đến ngày 20/10, ngành kinh doanh bất động sản chỉ thu được gần 2,14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong khi nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản giảm mạnh thì các ngành nghề khác lại tăng đột biến.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế đến ngày 20/10, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo báo cáo, 10 tháng qua, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD.
Ảnh cơ cấu thu hút vốn FDI theo ngành từ đầu năm đến nay |
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ.
Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD, gấp 61,4 lần và gần 907 triệu USD, tăng 6,3%. Còn lại là các ngành khác.
Như vậy, trong suốt 10 tháng qua, trong khi vốn ngoại liên tục đổ vào các ngành nghề khác thì ngành bất động sản chỉ hút được lượng vốn FDI bằng hơn một nửa so với cùng kỳ.
Minh Quân