- Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 424,4 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2023 có 95 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 251,2 triệu USD, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173 triệu USD, gấp gần 2,8 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 424,4 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 151,6 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 119,4 triệu USD, chiếm 28,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD; chiếm 19,9%.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 10 tháng năm 2023 có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Canada là nước dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 35,4% tổng vốn đầu tư; Singapore 120,1 triệu USD, chiếm 28,3%; Lào 115,2 triệu USD, chiếm 27,1%; Cu-ba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 2,8%; Israel 6,1 triệu USD, chiếm 1,4%.
Ở chiều ngược lại, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào các tháng cuối năm. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 65,8% kế hoạch, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới tính đến ngày 20/10/2023 ước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 54,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Minh Ngọc