Rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao

0
0

- Kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng kinh tế giảm

Thông tin từ buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Triển vọng Kinh tế cho Việt Nam cho thấy, dự báo tăng trưởng và lạm phát trong lần cập nhật này được điều chỉnh giảm so với dự báo trong tháng 4 năm 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện dự báo giảm còn 5,8% vào năm 2023 trước khi tăng lên 6,0% trong năm 2024. Dự báo lạm phát cũng giảm xuống. Các yếu tố chính tác động đến nền kinh tế là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và tác động cuộc xung đột Nga – Ukraina vẫn đang tiếp diễn.

Cũng theo ADB, nhu cầu thế giới giảm, tác động đến ngành sản xuất chế biến chế tạo ở Việt Nam, làm giảm dự báo của các ngành liên quan. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chế biến chế tạo tăng hơn 50 (mở rộng sản xuất) vào tháng 8 năm 2023 sau năm tháng suy giảm liên tiếp, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất dựa trên tiêu dùng. Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7,0% trong năm 2023. Xây dựng cũng sẽ tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của tám tháng đầu năm 2023 tăng 10,0% so với cùng kỳ. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.

 

Về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỉ USD trong năm nay. Trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý. Trong tám tháng đầu năm 2023, gần 50,0% kế hoạch giải ngân đầu tư công của năm đã được thực hiện (tăng từ mức 33,0% vào cuối tháng 6 năm 2023). Việc tăng tốc chi tiêu của chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỉ USD.

Áp lực lạm phát trong thời gian trước mắt vẫn còn

Theo ADB, thâm hụt tài khóa sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. Quốc hội đã thông qua mức giảm 2,0% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến cuối năm 2023, và chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhanh chóng triển khai chính sách này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. 

“Việt Nam cũng cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn”, ADB khuyến nghị.

ADB cũng cho biết, nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước. Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5,0% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. 

Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3,0% GDP. Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2,0% GDP vào năm 2024.

Dự báo lạm phát trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 năm 2023 được hạ xuống còn 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024. Áp lực lạm phát trong thời gian trước mắt có thể đến từ sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na đang tiếp diễn. Tuy nhiên, áp lực này có thể được hạn chế nhờ giá khí đốt và xăng dầu giảm trong nửa cuối năm, cùng với giá lương thực trong nước ổn định.

Theo ADB, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng. Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam. “Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng đô-la Mỹ mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng”, ADB cho hay.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.