- Washington trong nhiều tháng qua đã gây áp lực buộc Ả-rập Xê-út phải hủy bỏ việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện để giảm giá dầu.
Nước sản xuất dầu lớn hàng đầu thế giới Ả-rập Xê-út sẵn sàng tăng sản lượng dầu vào đầu năm tới để đổi lấy hiệp ước quốc phòng với Mỹ, tờ Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal) dẫn các nguồn tin bên trong nội bộ Ả-rập Xê-út và Mỹ tiết lộ.
Ả-rập Xê-út và Mỹ đang đàm phán về thỏa thuận ba bên giữa Ả-rập Xê-út, Mỹ và đồng minh Trung Đông Israel. Theo thỏa thuận, Riyadh sẽ công nhận nhà nước Do Thái để đổi lấy một hiệp ước an ninh chính thức giữa Riyadh và Washington. Điều này sẽ chứng kiến Mỹ cung cấp trợ giúp trong việc thiết lập chương trình hạt nhân dân sự ở Ả-rập Xê-út và đồng ý bán vũ khí trị giá hàng tỷ đô la của Mỹ cho quốc gia vùng Vịnh này.
Theo báo cáo, các cuộc đàm phán về thỏa thuận nói trên đã bị đình trệ do lo ngại của Washington về giá dầu tăng cao. Nhóm OPEC+ gồm các nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các đồng minh trong đó có Nga, đã đồng ý thực hiện cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm 2023 vào tháng 10 năm ngoái. Bước đi này đã đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao và gây ra sự tăng giá xăng ở Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây áp lực buộc Ả-rập Xê-út - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hủy bỏ việc cắt giảm sản lượng và tăng nguồn cung, nhưng cho đến nay vẫn vô ích. Đầu tuần này, Ả-rập Xê-út đã nhắc lại quyết định tuân thủ việc cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm. Mặc dù chính sách này sẽ hết hạn vào tháng 1 nhưng mọi thứ có thể thay đổi khi OPEC+ dự kiến nhóm họp vào cuối tháng 11 để quyết định mức sản lượng tiếp theo.
Washington được cho là dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận với Ả-rập Xê-út và Israel trong sáu tháng tới, vì ba bên được cho là đã đồng ý phần lớn về các điều khoản cơ bản của thỏa thuận này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ được cho là đã thông báo cho Riyadh rằng Quốc hội Mỹ có thể không ủng hộ các nhượng bộ đối với Ả-rập Xê-út trừ khi nước này đồng ý đưa thêm dầu ra thị trường.
Theo các nguồn tin từ Ả-rập Xê-út, các nhà đàm phán của Riyadh cho biết, mặc dù họ sẵn sàng xem xét việc tăng nguồn cung nhưng họ sẽ đưa ra bất kỳ quyết định sản xuất nào dựa trên điều kiện thị trường.