- Thời gian qua, dưới sự định hướng của Chính phủ, sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Vệt Nam, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định.
Tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân", ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ 4 gắn liền với chuyển đổi số, phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế giới và mỗi quốc gia.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số. Việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, cho biết, ngành Ngân hàng phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến năm 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này liên quan tới hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn... Với chỉ tiêu trên, NHNN hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60%. Ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử,...) được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng…
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành Ngân hàng không thể cung cấp dịch vụ và hoàn thành chiến lược tài chính quốc gia nếu thiếu sự tham gia của các cơ quan truyền thông khi 65% dân số sống ở nông thôn. Hiện có khoảng 100 ngân hàng, các ngân hàng này sẽ không thể tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số tốt, chất lượng tốt với chi phí hợp lý và an toàn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của NHNN và thực tế các ngân hàng cũng đang rất cạnh tranh trong chuyển đổi số, điều này rất khác so với các ngành kinh tế khác.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, bên cạnh quảng bá số lượng khách hàng, địa điểm giao dịch, các ngân hàng cần tăng cường truyền thông về tính năng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cái tốt và tiện cho nông dân... Các dịch vụ ngân hàng có thiết kế cho vùng sâu, vùng xa nên các ngân hàng cần lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, doanh nghiệp ở vùng nông thôn để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.
Ở khía cạnh khác, đứng góc độ là một doanh nghiệp lớn, với những lợi thế của một Tập đoàn Viễn thông- Công nghệ thông tin hàng đầu và kinh nghiệm lâu năm trong việc cung cấp các dịch vụ số hóa tại Việt Nam, thời gian qua VNPT đã không ngừng đầu tư, mở rộng về mạng lưới, cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho VNPT Money phát triển.
Theo đó, VNPT Money cung cấp các phương thức thanh toán không tiền mặt đơn giản, an toàn, tiện lợi qua Mobile Money, Ví điện tử, Tài khoản ngân hàng, đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán hàng ngày và phù hợp cho mọi đối tượng khách hàng.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu thế thời đại, đầu tháng 10 vừa qua, VNPT tại địa bàn tỉnh Cà Mau phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau đồng loạt khai trương các "Điểm thanh toán không dùng tiền mặt" tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là sự kiện nhằm hưởng ứng hoạt động phong trào tháng 10 - tháng tiêu dùng số và ngày "Chuyển đổi số quốc gia" trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tại các điểm thanh toán không dùng tiền mặt, người dân sẽ được tham quan các sản phẩm OCOP chất lượng và thực hiện mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng VNPT Money nhanh chóng, thuận tiện, thậm chí không cần sử dụng đến điện thoại thông minh hay có kết nối Internet vẫn có thể giao dịch không dùng tiền mặt.
Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 2023, mới đây, VNPT tại địa bàn tỉnh Cao Bằng phối hợp cùng với chính quyền tổ chức lễ ra quân hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".
Cụ thể, đơn vị đã phối hợp cùng với các lực lượng đoàn thanh niên, chính quyền địa phương trên toàn tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ Cổng dịch vụ công, phổ biến và hỗ trợ cài đặt sử dụng dịch vụ VNPT SmartCA và ứng dụng VNPT Money, thanh toán không dùng tiền mặt… tại các khối cơ quan, trường học và khu vực dân cư, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống.
Minh Ngọc