- Các ngân hàng đã phát hành TPDN riêng lẻ nhiều nhất trong quý 3, gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 15.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành 9.200 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) phát hành 6.000 tỷ đồng…
Thông tin trên được Công ty Chứng khoán Vndirect đưa ra tại Báo cáo Thị trường trái phiếu quý 3/2023 với chủ đề “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thêm tín hiệu hồi phục” vừa được phát hành.
Tại báo cáo trên, dẫn số liệu thống kê trên HNX đến ngày 3/10, Vndirect cho biết, trong quý 3/2023 có 88 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng cao gấp gần 2,6 lần so với quý 2/2023, và tăng 50% so với cùng kỳ (svck). Trong đó, có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị phát hành (GTPH). Và 8 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 11.447 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng GTPH.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 tổng giá trị phát hành TPDN đạt khoảng 167.983 tỷ đồng, giảm 32,6% svck; trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 147.180 tỷ đồng, giảm 38,9% svck, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 20.803 tỷ đồng, tăng 141,4 % svck.
Giá trị TPDN được phát hành và tỷ lệ phát hành riêng lẻ |
Đáng chú ý, theo báo cáo, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có sự phục hồi tích cực trong quý 3/2023, khi cao gấp gần 2,7 lần so với quý 2/2023 và tăng 36,2% svck.
“Sự phục hồi của hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong quý 3/2023 đến từ sự gia tăng phát hành của nhóm Ngân hàng. Tổng giá trị TPDN riêng lẻ của nhóm ngân hàng phát hành trong quý 3 đạt khoảng 47.224 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng giá trị phát hành”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN của NHNN về tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng phải giảm về mức 30% từ mức 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/23 là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động phát hành TPDNRL của nhóm ngân hàng diễn ra tích cực trong quý 3/2023 vừa qua khi các ngân hàng phát hành TPDN để tăng phần vốn huy động trung và dài hạn.
Các ngân hàng đã phát hành TPDN riêng lẻ nhiều nhất trong quý 3, gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 15.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành 9.200 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) phát hành 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (Lienvietpostbank) phát hành 4.200 tỷ đồng. Các đợt phát hành lớn của nhóm ngân hàng trong quý có kỳ hạn phổ biến là 2-3 năm, với lãi suất từ 6,4% - 7,5%.
Tiếp sau ngân hàng là nhóm Bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 29.593 tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng GTPH.
Các doanh nghiệp BĐS đã phát hành nhiều TPDN riêng lẻ nhất trong quý 3, bao gồm: Công ty TNHH CAPITALAND TOWER phát hành 4 đợt có tổng giá trị là hơn 12.200 tỷ đồng với lãi suất 1%/năm kỳ hạn 60 tháng (trái chủ có thêm quyền được sử dụng 1 phần hoặc toàn bộ giá trị gốc và lãi trái phiếu để góp vào vốn điều lệ của TCPH), Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt phát hành 4.100 tỷ đồng với lãi suất 13,3%/năm kỳ hạn 15 tháng, CTCP Bất động sản BIM phát hành 2.333 tỷ đồng với lãi suất 10,4%/năm kỳ hạn 84 tháng …
Hoạt động mua lại trước hạn có sự chững lại
Theo báo cáo, tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý 3 đạt gần 57.259 tỷ đồng, giảm 31,9% so với quý 2/2023 và giảm 5,4% svck.
Sau khi tăng mạnh trong quý 2/2023 tốc độ mua lại TPDN trước hạn có xu hướng giảm kể từ tháng 8. Ngân hàng vẫn là nhóm thực hiện mua lại TPDN trước hạn nhiều nhất trong quý với hơn 30.700 tỷ đổng, chiếm 53,6% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn.
So với quý 2 mặc dù tổng giá trị mua lại trước hạn của nhóm Ngân hàng đã giảm mạnh (-47%), tuy nhiên đây vẫn là quý có giá trị mua lại cao trong những quý gần đây.
Các ngân hàng đã mua lại nhiều nhất TPDN trước hạn trong quý 3 bao gồm: Ngân hàng TMCP Phương Đông đã mua lại 5.100 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu đã mua lại 5.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã mua lại 4.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDB) đã mua lại 2.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam đã mua lại 2.100 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình mua lại 2.100 tỷ đồng …
“Nhu cầu tín dụng yếu cùng với việc lãi suất đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện để các ngân hàng duy trì tích cực hoạt động mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình trong quý 3/2023”, báo cáo cho biết.
Tuấn Minh