Dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2023

0
0

- Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát, trong đó kịch bản 1, dự báo CPI tăng khoảng 3,2%; kịch bản 2 dự báo tăng khoảng 3,6% so với 2022.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát là khả thi

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Điều hành Giá họp bàn phương án điều hành giá cuối năm, diễn ra ngày 11/10, Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,6%.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do cung và nhu cầu từng giai đoạn; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước của tháng 1/2023 tăng 0,52%, tháng 2/2023 tăng 0,45%; tháng 3/2023 giảm 0,23%, tháng 4/2023 giảm 0,34%, tháng 5/2023 tăng 0,01%, tháng 6/2023 tăng 0,27%, tháng 7/2023 tăng 0,45%, tháng 8/2023 tăng 0,88%, tháng 9/2023 tăng 1,08%. CPI tháng 9/2023 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

 

Đạt được kết quả trên do Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát. Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022. Kịch bản 2 ở mức cao hơn, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,6%. Tổng cục thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3%-3,6%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,4% ( cộng trừ 0,3%).

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, các cơ quan cơ bản thống nhất vẫn còn dư địa để điều hành giá trong năm 2023. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý có khả năng tác động đến CPI năm 2023, điều này còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ, ngành. Trường hợp điều chỉnh vào tháng cuối năm thì tác động đến CPI bình quân năm 2023 dự kiến không quá lớn nhưng sẽ tác động trễ sang năm 2024.

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống người dân

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh trong tháng 9 và 9 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa trên thế giới có nhiều biến động do tác động của nhiều yếu tố về kinh tế, chính trị thế giới. Các cuộc xung đột đã gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng cũng như sức cầu của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nền kinh tế vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất neo ở mức cao, tạo các yếu tố rủi ro trên thị trường tiền tệ. Sức cầu yếu và lạm phát của các nước ít nhiều đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao tác động đến thị trường trong nước.

Trong bối cảnh đó, mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước vẫn giữ được ổn định, đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu Quốc hội giao về điều hành giá, quản lý lạm phát.

"Theo các kịch bản dự báo, năm nay CPI dự kiến tăng khoảng 3,8%. Tôi đề nghị các đồng chí tham mưu để điều hành CPI ở mức hợp lý, theo mục tiêu Quốc hội đề ra, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống người dân vừa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng phân tích sâu về công tác điều hành 2 chính sách rất quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo điều hành CPI năm 2023 tăng hợp lý để giữ ổn định đời sống, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo điều hành CPI năm 2023 tăng hợp lý để giữ ổn định đời sống, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Trong đó, đối với chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá cặn kẽ, kỹ lưỡng việc triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, nhất là đối với một số sắc thuế lớn ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước, để quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu về dự toán, bảo đảm ngân sách nhà nước "thu phải đủ chi".

Đối với chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta đã thực hiện 4 lần giảm các mức  lãi suất điều hành; duy trì an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; giữ ổn định tỷ giá;… Trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro, giữ được thế này là thành công rất lớn để giữ giá trị đồng tiền Việt Nam, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; công tác huy động, cho vay, dự trữ ngoại hối…

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành giá phù hợp đối với một số mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Xăng dầu, khí hóa lỏng, điện, dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm…

Đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2014, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Người phụ nữ Hà Nội bị lừa gần 800 triệu đồng vì đầu tư "sàn tài chính online"

(VnMedia) - Thời gian qua, Công an Thành phố Hà Nội đã liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đầu tư các sàn giao dịch tài chính online. Với lời quảng cáo đầu tư sinh lời, lãi xuất cao đánh vào tâm lý nhiều nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh chóng...

Phát hiện lỗ hổng RCE nghiêm trọng trong Công cụ cơ sở hạ tầng AI của Ollama

(VnMedia) - Các nhà nghiên cứu bảo mật đã tiết lộ chi tiết về một lỗ hổng bảo mật hiện đã được vá ảnh hưởng đến nền tảng cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn mở Ollama có thể bị khai thác để thực thi mã từ xa (RCE).

Giá vàng liên tục trồi sụt, vàng nhẫn vẫn giữ mức cao

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (26/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm gần 12 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu vẫn duy trì ở mức gần 76 triệu đồng/lượng.

Định danh và xác thực điện tử: Những quy định ai cũng cần biết

(VnMedia) - Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử các mức độ đối với công dân Việt Nam và đối với người nước ngoài; Trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với cơ quan, tổ chức; Kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử...

Một thẻ căn cước đăng ký được bao nhiêu sim VinaPhone chính chủ?

(VnMedia) - Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các nhà mạng đều yêu cầu người dùng phải đăng ký sim chính chủ. Vậy một thẻ Căn cước có thể đăng ký bao nhiêu sim VinaPhone chính chủ?