Giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 20/10 sau khi phong trào Hồi giáo Hamas thả hai con tin người Mỹ, dẫn đến hy vọng cuộc xung đột Israel-Palestine có thể lắng xuống và không làm gián đoạn nguồn cung dầu.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 22 xu Mỹ (0,2%) xuống 92,16 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 12/2023 giảm 29 xu xuống 88,08 USD/thùng. Mặc dù giảm trong phiên 20/10, nhưng tính chung tuần này, giá hai loại dầu này đều tăng hơn 1%, ghi dấu đợt tăng thứ hai liên tiếp (tính theo tuần).
Trong một tuyên bố ra ngày 20/10, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết để đáp lại các nỗ lực của Qatar, lực lượng này đã thả 2 con tin người Mỹ vì “lý do nhân đạo”. Đây là lần đầu tiên Hamas thả con tin kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 2 tuần.
Nhìn lại thị trường tuần qua, giá dầu thế giới trong phiên 16/10 giảm hơn 1 USD/thùng do đồn đoán gia tăng về khả năng Mỹ và Venezuela có thể sớm đạt được một thỏa thuận nới lỏng hạn chế đối với xuất khẩu dầu của Venezuela. Trong khi đó, các nhà giao dịch nhận định rằng cuộc xung đột Israel-Hamas dường như không có khả năng đe dọa đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn.
William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho biết nếu thỏa thuận trên đạt được, nó sẽ giúp Venezuela tăng sản lượng dầu từ mức rất thấp. Tuy nhiên, lĩnh vực này đòi hỏi sự đầu tư lớn để đưa sản lượng trở lại mức của 10 năm trước.
Đến phiên 17/10, giá dầu đã tăng lên do các nhà đầu tư chờ đợi xem những nỗ lực ngoại giao của Mỹ có ngăn chặn được xung đột ở Trung Đông lan rộng hay không. Tâm lý lo ngại về nguồn cung cũng đã thúc đẩy giá dầu thế giới phiên 18/10 tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai tuần, trong bối cảnh kho dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và sau khi Iran kêu gọi một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Israel liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã rút 4,5 triệu thùng dầu thô khỏi các kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 13/10. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 300.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters. Ngày 17/10, Viện Xăng Dầu Mỹ (API) đã báo cáo mức giảm 4,4 triệu thùng.
Một vài nguồn tin khác cho biết Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có kế hoạch đưa ra bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với lời kêu gọi của Iran, thành viên OPEC.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ dữ liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng nhanh hơn dự kiến trong quý III/2023.
Ngày 19/10, giá dầu thế giới tăng do thị trường lo ngại rằng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể lan rộng ra khu vực. Giá dầu được hỗ trợ vào cuối phiên sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng cơ quan này sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất trong tương lai, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital có trụ sở tại New York, cho biết Trung Đông vẫn là tâm điểm của thị trường khi nhà đầu tư lo ngại về một cuộc xung đột trên diện rộng tại khu vực có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung dầu.
Ngân hàng UBS dự kiến giá dầu Brent sẽ được giao dịch trong khoảng từ 90 đến 100 USD/thùng trong các phiên tới.
Theo Báo tin tức
https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/cang-thang-tai-trung-dong-day-gia-dau-tang-hon-1-trong-tuan-qua-20231021114350399.htm