Các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát của Ấn Độ hiện đã làm đảo lộn thị trường và khiến các quốc gia lo lắng về việc đảm bảo nguồn cung.
Người dân đong gạo tại Manila, Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Giá gạo gia tăng ở Philippines có thể là một dấu hiệu cảnh báo đối với các nhà nhập khẩu gạo khác, khi hậu quả từ các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ tiếp tục lan rộng khắp châu Á và Tây Phi.
Lạm phát giá gạo ở quốc gia Đông Nam Á này trong tháng 8/2023 tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm, làm sống lại ký ức về cú sốc năm 2018, vốn dẫn đến việc Philippines phải chấm dứt giới hạn nhập khẩu kéo dài hai thập kỷ.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương Philippines cảnh báo sẵn sàng tiếp tục thắt chặt tiền tệ nếu cần, trong bối cảnh các nước khác đều đang gấp rút đảm bảo nguồn cung gạo.
Shirley Mustafa, chuyên gia kinh tế tại Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều bất ổn. Áp lực tăng giá gạo đang trở nên trầm trọng hơn bởi những hạn chế về xuất khẩu.”
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát của Ấn Độ đã làm đảo lộn thị trường và khiến các quốc gia lo lắng về việc đảm bảo nguồn cung.
Ngày 31/8, Philippines đã ban hành sắc lệnh về việc áp trần giá gạo bán lẻ tại nước này.
Ngày 7/9, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr.
Hai bên cũng nhất trí sớm trao đổi và ký kết một hiệp định liên chính phủ về hợp tác thương mại gạo để cùng nhau bảo đảm các mục tiêu về an ninh lương thực trước những biến động phức tạp của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu thời gian qua.
Indonesia đã đồng ý ký thỏa thuận cung cấp gạo với Campuchia lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, với khối lượng lên tới 250.000 tấn mỗi năm, gấp đôi khối lượng của một thỏa thuận tương tự được ký kết vào năm 2012.
Các quốc gia khác cũng đang thực hiện các bước để ngăn chặn chi phí lương thực gia tăng. Malaysia đã thực hiện giới hạn mua hàng và bắt đầu kiểm tra các nhà bán buôn và các cơ sở xay xát sau những cáo buộc rằng gạo nước này đang được bán dưới dạng gạo nhập khẩu với giá cao hơn.
Myanmar cũng đã áp đặt một hệ thống bắt buộc ghi lại khối lượng gạo dự trữ để kiểm soát giá trong nước và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Trong tuần này, giá gạo châu Á đã “hạ nhiệt” phần nào, tuy nhiên giá mặt hàng này vẫn áp sát mức cao nhất kể từ năm 2008./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/them-mot-dau-hieu-canh-bao-voi-cac-nha-nhap-khau-gao-the-gioi/893401.vnp