- Ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Đây nội dung đưa đưa ra tại Diễn đàn thường niên Hải quan - doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”, vừa diễn ra.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, những năm gầy đây, tình hình thế giới có nhiều biến động từ hậu quả của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn tiếp diễn và xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.
Trước tình hình đó, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023. Theo đó, trong các nhóm chỉ tiêu cải cách, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...
Ảnh minh họa |
Một chương trình khác đã triển khai nhiều năm là chương trình doanh nghiệp ưu tiên về hải quan (AEO) đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.
“Để sự đồng hành Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng hiệu quả ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan Hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách. Cụ thể là, mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Thay mặt Ban tổ chức, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá” là một hoạt động thiết thực nhằm nhìn lại bức tranh toàn cảnh mà ngành Hải quan đã và đang thực hiện, đánh giá những thuận lợi và khó khăn cũng như thảo luận đề ra các giải pháp triển khai trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa. Thông qua diễn đàn, những trao đổi, đối thoại, ý tưởng góp ý, đề xuất của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những ý kiến hữu ích để cơ quan Hải quan cũng như các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá; xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hướng tới Hải quan số, Hải quan thông minh. Bên cạnh đó thảo luận, đánh giá, hoàn thiện chính sách về doanh nghiệp ưu tiên, nâng cao trách nhiệm và quyền lợi doanh nghiệp ưu tiên, được công nhận lẫn nhau trong nước và quốc tế...; Đánh giá về “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan”; giải đáp các vướng mắc về chính sách của doanh nghiệp tham dự diễn đàn…
Minh Ngọc