- Chủ yếu kinh doanh các sản phẩm từ sữa cho trẻ, Nutifood đạt đến mức siêu lợi nhuận khi 1 đồng vốn góp mang về gần 2 đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh nghiệp cũng mang phần lớn tài sản đi đầu tư tài chính.
Một nhà máy của Nutifood |
Bán sữa cho trẻ, thu về siêu lợi nhuận
Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Công ty Nutifood) không phải là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sữa. Công ty thành lập trong năm 2000 với người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Lệ. Bên cạnh đó, Nutifood cũng gắn liền tên tuổi với “Phù thủy marketing” Trần Bảo Minh.
Nutifood có nhiều sản phẩm phục vụ cho trẻ em từ 0 tuổi trở lên. Danh sách sản phẩm của Nutifood có thể kể đến như Grow Plus +, Famma, Nuvi Grow, Nuvi, Nuti Milk, Nutizen, Cawells, Varna. Một sản phẩm nổi tiếng khác của Nutifood chính là Cà phê Ông Bầu (hợp tác cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai).
Công ty có hiệu quả kinh doanh vô cùng tốt.
Năm 2022, mặc dù Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh, giảm 340 tỷ đồng, tương đương 35,1% so với năm 2021 nhưng Lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 203,7 tỷ đồng, tương đương 347% lên 262 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Vốn góp chủ sở hữu tại Nutifood lên tới 180%. Nghĩa là 1 đồng vốn góp mang về cho công ty 1,8 đồng lợi nhuận. Đây là thành tích không phải đơn vị nào cũng làm được.
Trong năm 2022, tỷ suất này tại “anh cả” ngành sữa Vinamilk cũng chỉ là 41%. Nghĩa là 1 đồng vốn góp của cổ đông mang về 0,41 đồng lợi nhuận sau thuế.
Chính vì vậy mà sau 22 năm hoạt động, vốn Nutifood phình đáng kể. Từ số vốn góp 150 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Nutifood tăng gấp 16 lần lên 2.417 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số khổng lồ 2.127 tỷ đồng.
Ôm 65,9% tài sản đầu tư tài chính
Thu được siêu lợi nhuận, Nutifood có trong tay khối tài sản khổng lồ. Vì vậy, công ty đẩy mạnh đầu tư tài chính. Tuy nhiên, ngược lại với ngành nghề kinh doanh chính, hoạt động đầu tư mang về cho Nutifood những khoản lỗ trên sổ sách.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Nutifood ghi nhận 465 tỷ đồng Đầu tư tài chính ngắn hạn và 1.639 tỷ đồng Đầu tư tài chính dài hạn. Như vậy, tổng số tiền đầu tư tài chính tại Nutifood lên đến 65,9% tổng tài sản.
Chính xác hơn, Nutifood đã dành 578 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn vào Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khoản đầu tư này khiến Nutifood phải chi 113 tỷ đồng Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Với việc nắm giữ hơn 12 triệu cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi, Nutifood đã mua vào cổ phiếu này với giá hơn 45.000 đồng/CP. Đóng cửa năm 2022, QNS dừng ở mức 35.800 đồng/CP, tương ứng mức giảm 20,4%. Giá trị hao hụt của khoản đầu tư này lên đến 118 tỷ đồng.
Còn với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, Nutifood đã chi 1.692 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nutifood phải chi 52,8 tỷ đồng để Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn. Một số đơn vị khiến Nutifood phải trích lập dự phòng chính là Công ty cổ phần Thương mại – dịch vụ Nam Hà (dự phòng 14,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Thảo dược công nghệ cao Nutizen (dự phòng 450 triệu đồng),…
Sau khi có một số khoản đầu tư thua lỗ, Nutifood đã giảm bớt một số danh mục, từ đó “tiết kiệm” chi phí dự phòng. Như đã nêu trên, năm 2022, Nutifood phải trích 52,8 tỷ đồng để Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn. Đây là con số lớn nhưng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với 244 tỷ đồng của năm 2021.
Dự phòng rủi ro dài hạn giảm từ 244 tỷ đồng xuống 52,8 tỷ đồng khi giá trị Đầu tư tài chính dài hạn giảm 1.168 tỷ đồng, tương đương 41,6% so với cuối năm 2021.
Trong bối cảnh đó, Nutifood vẫn mạnh tay đầu tư tài chính tiếp. Hồi cuối năm 2022, công ty ghi nhận 1.052 tỷ đồng Các khoản phải thu khác, tăng mạnh so với con số 68,3 tỷ đồng. Trong đó, công ty ghi nhận 700 tỷ đồng Đặt cọc mua cổ phần.