Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp như EVN, Vietnam Airlines hoạt động thua lỗ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây có báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước trong phạm vi toàn quốc. Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 680 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với 2021. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6%.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1,13 triệu tỷ đồng (bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ).
Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (đạt 350.525 tỷ đồng, bằng 84,7% kế hoạch năm và 94,4% so với cùng kỳ năm 2022); Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (đạt 169.000 tỷ đồng, bằng 88,9% kế hoạch năm và 84% so với cùng kỳ năm 2022); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV (đạt 112.100 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm và 101% so với cùng kỳ năm 2022).
Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 27.095 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm và 133% so với cùng kỳ năm trước liền kề (tính gộp tất cả các tập đoàn, tổng công ty có lãi và lỗ).
Trong đó, các doanh nghiệp lãi lớn như: PVN đạt 35.897 tỷ đồng (bằng 103,3% kế hoạch năm); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đạt 6.534 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC đạt 5.295 tỷ đồng (bằng 94% kế hoạch năm và 182% so với cùng kỳ năm 2022); Petrolimex đạt 3.000 tỷ đồng (bằng 92,9% kế hoạch năm).
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp còn lỗ như EVN và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Bộ Kế hoạch và Đầu tư không tiết lộ con số cụ thể.
"Do khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng (EVN, Vietnam Airlines...) làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung của tập đoàn, tổng công ty", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt trên 117.300 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách ước đạt hơn 128.000 tỷ đồng, tăng 7%.
Về lỗ phát sinh, ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng trên 41.600 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp lớn như EVN lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng, Vietnam Airlines lỗ phát sinh 4.515 tỷ đồng…
"Trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động xung đột của Nga - Ukraine và các bất ổn của kinh tế thế giới, doanh nghiệp Nhà nước cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thua lỗ, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/evn-vietnam-airlines-petrolimex-dang-lai-lo-the-nao-20230922115931010.htm