Bộ Tài chính đã nêu rõ quan điểm về việc cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá điện.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến về dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, tại công văn này Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm về việc cần tách bạch và xác định rõ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá.
Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Giá hiện hành có nêu rõ, các bộ ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn sẽ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định. Luật Điện lực cũng quy định Bộ Công Thương là đơn vị có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực, trong đó có giá điện.
Cụ thể, Luật Điện lực quy định Bộ Công Thương chủ trì xây dựng khung giá của giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh, cơ cấu biểu giá; khung giá phát điện, giá bán buôn, truyền tải, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Do đó, căn cứ quy định trên Bộ Tài chính nêu rõ, Bộ Công Thương là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện.
"Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát hoàn thiện lại dự thảo Quyết định để tăng cường vai trò chủ trì của Bộ Công Thương trong quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực phạm vi chuyên ngành. Bộ Tài chính là đơn vị phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn tới kinh tế", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Bộ Tài chính chỉ tham gia đóng góp ý kiến
Liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương không quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thực hiện xem xét kiểm tra giám sát đối với báo cáo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
"Không quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thực hiện kiểm tra giám sát đối với báo cáo giảm giá, báo cáo tăng giá từ 3% đến dưới 5% của EVN. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương không quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong trường hợp điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% đến dưới 10%. Bộ Công Thương chủ động rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình", Bộ Tài chính nêu rõ.
Đối với trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến vĩ mô thì Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát phương án giá và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng dự thảo không nên quy định chi tiết các nội dung mang tính chất chuyên môn như tham gia họp, báo cáo, chủ động có ý kiến gửi cơ quan chủ trì về phương án giá bán lẻ điện bình quân hàng năm.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định do Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì quản lý chuyên ngành về mặt hàng điện, bộ này chỉ có ý kiến tham gia trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương về kết quả rà soát phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/bo-tai-chinh-khong-muon-dong-trach-nhiem-ra-soat-gia-dien-voi-bo-cong-thuong-20230901064023562.htm