- Trong nhiều thập kỷ, không có loại tiền tệ toàn cầu nào có cơ hội hạ bệ đồng đô la Mỹ (USD). Nhưng một liên minh ngày càng được tăng cường của các quốc gia đang tìm cách thực hiện điều này - và họ đã có những động thái để hành động theo mục tiêu đó.
Chính phủ Ấn Độ tháng trước thông báo, nhà máy lọc dầu hàng đầu của nước này - Indian Oil Corp., đã sử dụng đồng rupee nội địa để mua một triệu thùng dầu từ Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi - chứ không phải đô la Mỹ (USD).
Theo Reuters, giao dịch lớn nói trên diễn ra sau thương vụ bán 25kg vàng từ một nhà xuất khẩu vàng của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cho người mua ở Ấn Độ với giá khoảng 128,4 triệu rupee (1,54 triệu USD).
Với việc cả UAE và Ấn Độ hiện là thành viên của khối BRICS - một liên minh tìm cách trao quyền thương mại giữa các nền kinh tế mới nổi của các quốc gia thành viên, có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều giao dịch toàn cầu hơn bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la (USD).
Vậy điều này có thể có ý nghĩa gì đối với tương lai của đồng đô la Mỹ?
Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã tiết lộ một khuôn khổ mới để giải quyết thương mại toàn cầu bằng đồng rupee - một ý tưởng đã thành hiện thực vào tháng trước, khi Ấn Độ là nước nhập khẩu và tiêu dùng dầu lớn thứ ba thế giới đã ký hai thỏa thuận với UAE. Đầu tiên, hai gã khổng lồ đồng ý thanh toán giao dịch bằng đồng nội tệ của họ - trong nỗ lực cắt giảm chi phí giao dịch và loại bỏ việc chuyển đổi đô la. Họ cũng đồng ý thiết lập liên kết thanh toán theo thời gian thực để đơn giản hóa việc chuyển tiền xuyên biên giới.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ giải thích trong một tuyên bố gần đây rằng các thỏa thuận sẽ cho phép “các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới liền mạch, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế lớn hơn”.
Các quốc gia hùng mạnh trên thế giới - đặc biệt là Trung Quốc và Nga - đang muốn hạ bệ đồng đô la để đáp trả các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và các chính sách đối ngoại của Mỹ.
Vào tháng 8, khối BRICS đã đồng ý kết nạp Ả-rập Xê-út, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và UAE vào hàng ngũ của mình. Mong muốn chung của nhiều thành viên khối là tạo ra một sân chơi kinh tế toàn cầu cân bằng trong bối cảnh họ cảm thấy sân chơi này đang quá phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Đây là một phần của xu hướng lớn hơn - được coi là "phi đô la hóa" - khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu thời kỳ thống trị của đồng đô la đã kết thúc hay chưa. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết hiện tại không có loại tiền tệ nào có thể thay thế đồng bạc xanh.
Phát biểu trấn an nói trên của bà Yellen được đưa ra sau khi tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng đô la giảm 8% vào năm 2022. Trong nỗ lực đa dạng hóa, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã bắt đầu giảm dự trữ đô la của họ để chuyển sang vàng.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn thứ hai của Nga VTB Andrey Kostin hôm qua (11/9) cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin RBK rằng Nga đã buộc phải chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong ngoại thương do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng sẽ không từ bỏ hoàn toàn các đồng tiền của phương Tây.
“Tất nhiên, tôi tin rằng chúng ta không nên tự nguyện từ bỏ đồng euro và đồng đô la. Chúng tôi không phản đối việc tham gia xuất nhập khẩu với các công ty phương Tây; việc họ áp đặt các biện pháp trừng phạt là quyết định của họ, không phải của chúng tôi. Bất chấp khó khăn, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt và các hàng hóa khác”, ông Kostin nói. Vị quan chức này nói thêm rằng việc Nga chuyển sang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ thay thế khác là do “các vấn đề bắt đầu nảy sinh” với việc thanh toán bằng đồng đô la và đồng euro do các biện pháp trừng phạt về tài chính của phương Tây gây ra.
Ông Kostin nhấn mạnh rằng mặc dù việc thay thế đồng đô la khả thi khó có thể xuất hiện trong tương lai gần, nhưng Nga cam kết thiết lập một “chương trình quốc tế hợp pháp trong đó chúng tôi có thể thực hiện thanh toán bằng các loại tiền tệ thay thế”. Ông nói thêm rằng cộng đồng toàn cầu ngày càng quan tâm đến các chương trình thanh toán không gắn liền với đồng đô la do Washington thường xuyên sử dụng đồng tiền của mình như một công cụ chính trị.