- Trong suốt thời gian dài, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hệ thống ngân hàng tiết kiệm chi phí để từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, tại PGBank, thù lao nhân viên tăng 38,2%.
Ảnh minh họa |
Cuối năm 2022, lãi suất huy động đạt “đỉnh” khiến lãi suất cho vay tăng vọt, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Kể từ đó, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong cuộc họp mới diễn ra, chỉ đạo này tiếp tục được Thủ tướng nhắc tới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có nhiều ngân hàng ghi nhận chi phí hoạt động, mà cụ thể là chi phí lương tăng mạnh. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là một trong số đó.
Nợ xấu tăng
Một trong những điểm nhấn trong bức tranh hoạt động của PGBank là nợ xấu tăng. Tại ngày 30/6/2023, nợ xấu tại PGBank đạt 839 tỷ đồng, tăng 95 tỷ đồng, tương đương 12,8% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ là 4,1%. Như vậy, nợ xấu nội bảng tại PGBank chiếm 2,77% tổng dư nợ.
Nhưng bức tranh nợ xấu tại PGBank không chỉ có vậy. Hồi cuối năm 2022, PGBank còn ghi nhận 842 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm so với con số 952 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Như vậy, nợ xấu và trái phiếu đặc biệt do VAMC tại PGBank lên đến 1.781 tỷ đồng, chiếm 5,89% tổng dư nợ tín dụng.
Cần phải nhấn mạnh, đây là thời điểm tỷ lệ nợ xấu và trái phiếu VAMC tại PGBank cao nhất trong vài năm gần đây.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của PGBank là 2,53%; nợ xấu và trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành chiếm 5,1% tổng dư nợ tín dụng. Hồi cuối năm 2020, hai tỷ lệ này là 2,44% và 4,68%.
Đáng chú ý, dù tỷ lệ nợ xấu có tốc độ tăng mạnh gấp 3 lần tăng trưởng tín dụng và nợ có khả năng mất vốn đạt 551 tỷ đồng, chiếm 1,82% tổng dư nợ tín dụng nhưng PGBank lại mạnh tay cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Trong quý 2/2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại ngân hàng này chỉ đạt 48,2 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với quý 2/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm giảm từ 143 tỷ đồng xuống chỉ còn 86,8 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 tăng nhẹ từ 94,9 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng từ 196 tỷ đồng lên 243 tỷ đồng.
Tăng 38,2% lương cho nhân viên
Trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, nhiều ngân hàng chủ động cắt giảm thù lao cho nhân viên và lãnh đạo. Có đơn vị thậm chí còn giảm tới 50% lương của dàn sếp cấp cao. Tuy nhiên, thời gian này, thù lao tại PGBank có xu hướng tăng.
Tại ngày 30/6/2023, tổng số người lao động tại PGBank là 1.695 người, giảm 5 người so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tiền lương bình quân của mỗi nhân viên trong 6 tháng đầu năm là 18,21 triệu đồng/người, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái; thu nhập bình quân tăng từ 18,35 triệu đồng lên 23,05 triệu đồng.
Hiện tại, PGBank chưa đưa ra thông tin thu nhập của lãnh đạo. Tuy nhiên, trong năm 2022, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cũng được tăng lương đáng kể.
Cụ thể, trong năm 2022, các thành viên Hội đồng quản trị được trả 7,24 tỷ đồng, tăng 2,34 tỷ đồng, tương đương 47,8% so với năm 2021; thành viên Ban Kiểm soát tăng lương từ 3,88 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng; Ban Tổng giám đốc tăng lương từ 11,34 tỷ đồng lên 14,4 tỷ đồng.
Thu nhập lãi tăng mạnh
Như đã nêu trên, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tại PGBank chỉ là 4,1%. Trong khi đó, thu nhập lãi (phần lớn là chi phí lãi vay mà người vay phải trả cho ngân hàng) tăng mạnh hơn rất nhiều.
Cụ thể, trong quý 2/2023, thu nhập lãi và các thu nhập tương tự tăng từ 663 tỷ đồng lên 897 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 533 tỷ đồng, tương đương 42,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, thu nhập lãi có tốc độ tăng mạnh gấp 10,3 lần tín dụng.