- Theo thống kê của Amazon, trang trí nhà cửa & nội thất trên Amazon chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Nhà cửa & Nhà bếp cũng liên tục lọt top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Những tín hiệu này cho thấy cơ hội đang rộng mở cho ngành hàng trang trí nhà cửa và nội thất Việt, bởi Việt Nam là nước sở hữu những lợi thế và tiềm năng sẵn có để tạo ra những sản phẩm độc đáo và khác biệt. Bằng việc tận dụng thế mạnh từ các làng nghề truyền thống lâu đời, nguồn nguyên liệu tự nhiên đa dạng, cùng với năng lực sản xuất dồi dào, cơ hội sẽ rộng mở cho Việt Nam.
Xu hướng mua sắm trực tuyến các sản phẩm nội thất và trang trí nhà cửa tại thị trường nước ngoài
Theo eMarketer, thương mại điện tử bán lẻ tại Hoa Kỳ đạt 145,56 tỷ USD cho nhóm hàng Nội thất & Trang trí nhà cửa. Dù đã dần quay trở lại văn phòng làm việc, mọi người vẫn dành nhiều thời gian hơn cho việc tận hưởng cuộc sống, làm việc và giải trí tại nhà. Chính vì vậy, không gian sống được đầu tư hơn bao giờ hết. Các sản phẩm liên quan đến trang trí, cải thiện nhà cửa, và giải trí tại nhà cũng có nhiều thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.
Ngoài ra, mua sắm trực tuyến vẫn rất phổ biến đối với các sản phẩm Nhà cửa & Nhà bếp, bao gồm phụ kiện trang trí, đồ nội thất và giải trí gia đình. Một con số ấn tượng cho thấy 62.3% số lượng truy cập tìm kiếm online về nội thất sẽ chuyển đổi thành giao dịch trực tuyến (không chỉ search để tìm kiếm thông tin mà họ sẽ mua hàng).
Ngành hàng Nội thất và Trang trí nhà cửa đã thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng toàn cầu trên Amazon trong những năm gần đây. Các nhóm sản phẩm chính thuộc ngành này có thể được liệt bao gồm: Các sản phẩm trang trí nhà cửa, như: Trang trí tường, nến, đèn treo hoặc thả và rèm cửa; Các vật dụng lưu trữ giúp sắp xếp không gian sống; Đồ nội thất hoặc các sản phẩm làm từ gỗ dùng trong nhà và ngoài trời.
Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu gỗ. Ghi dấu ấn từ các nguyên liệu thô cho đến sản phẩm chất lượng cao, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu đến Mỹ. Đối với các nhà xuất khẩu nhắm đến thị trường quốc tế, đáng chú ý là các sản phẩm gỗ có thể xếp gọn với kích thước nhỏ gọn chứng tỏ được những lợi thế khi bán trực tuyến.
Amazon cung cấp nhiều loại sản phẩm làm từ gỗ, bao gồm bàn ghế gỗ có thể xếp gọn dùng ngoài trời, kệ, giá, bục gỗ nhỏ, gạch lót sàn bằng gỗ, và thớt gỗ teak. Nhà bán hàng nên cân nhắc đến tính năng, thiết kế tiện lợi, độ bền, chất lượng và nguyên liệu thân thiện với môi trường để đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
“Mở khóa” tiềm năng trang trí nội thất Việt, nắm bắt cơ hội toàn cầu
Theo báo cáo ghi nhận được, liên tục trong 3 năm trở lại đây, nhóm sản phẩm Nhà cửa & Nhà bếp luôn lọt danh sách ngành hàng bán chạy nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon. Với khoảng 1,500 làng nghề thủ công, nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cùng lợi thế về chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất đồ nội thất và đồ nội thất trang trí Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế.
Để khai thác những lợi thế và tiềm năng cho đồ nội thất và đồ nội thất trang trí của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, các nhà sản xuất & chủ sở hữu thương hiệu cần học hỏi và áp dụng một số gợi ý dưới đây.
Lấy cảm hứng từ những gợi ý xu hướng trang trí nhà của Amazon |
Việt Nam là một trong số các quốc gia sở hữu số lượng lớn thợ thủ công lành nghề. Nhóm "Thợ thủ công và các ngành liên quan" có tới 7,4 triệu lao động, chiếm 13,7% tổng lực lượng lao động Việt. Quan trọng hơn hết, các làng nghề và xưởng sản xuất đồ gỗ truyền thống của Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm phong phú và lịch sử lâu đời, đã thổi hồn vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ Việt Nam, tạo nên những nét độc đáo và khác biệt khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Tuy nhiên, để thành công trên thị trường toàn cầu thông qua Amazon, sự kết hợp hài hòa giữa “những gì Việt Nam có” và “những gì thị trường quốc tế mong đợi” là điều quan trọng. Ví dụ, để có được một sản phẩm trang trí thân thiện với môi trường từ mây, tre, cói, các nhà sản xuất phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc nâng cao quy trình sản xuất để xử lý các nguyên liệu vốn bị ảnh hưởng bởi các yếu tồ từ độ ẩm và côn trùng. Bên cạnh đó, đối với đồ nội thất sử dụng vật liệu tổng hợp thì cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về sản phẩm của Amazon cũng như các cơ quan địa phương. Nội thất dành cho trẻ em cần được quan tâm đến độ an toàn, tuân thủ các yêu cầu của thị trường nước ngoài như tiêu chuẩn CPSC/CPSIA, ANSI tại Mỹ & chứng chỉ CE cho thị trường châu Âu.
Bên cạnh việc hiểu tâm lý khách hàng quốc tế, việc doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng thị trường cũng là một yếu tố thành bại trong việc kinh doanh. Việc tận dụng triệt để các công cụ hỗ trợ của Amazon như Hướng dẫn sản phẩm thị trường (Marketplace Product Guidance), Công cụ khám phá cơ hội sản phẩm (Product Opportunity Explorer), sẽ cung cấp và tối ưu hóa trong việc lựa chọn sản phẩm cho người bán, giúp họ đưa ra chiến lược sản phẩm nổi bật và hiệu quả.
Có nhiều yếu tố quyết định việc mua hàng của khách hàng quốc tế đối với các sản phẩm Trang trí nhà cửa, nội thất như: công năng, thiết kế, khả năng tùy chỉnh, sử dụng vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường, tính tiện lợi và linh hoạt và phù hợp làm quà tặng hoặc cho các dịp đặc biệt.
Để khích lệ các làng thủ công địa phương, các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt cơ hội kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Amazon Global Selling đã hợp tác cùng An Đen, một vlogger truyền cảm hứng với những câu chuyện về cuộc sống ở làng quê Việt, cùng sản xuất video ngắn hấp dẫn. Thông qua chuyến thăm làng nghề đan tre ở Chương Mỹ (Hà Nội), An Đen đã có cơ hội giới thiệu về xu hướng và tiềm năng xuất khẩu trực tuyến cho nghề đan lát mây tre truyền thống cũng như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác của Việt Nam, đồng thời chia sẻ về những thay đổi tích cực mà thương mại điện tử xuyên biên giới đã mang đến cho địa phương và cộng đồng.
TP.HCM, ngày 8 tháng 3 năm 2023: Chương trình đào tạo “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội đột phá cho ngành Nội thất & Thủ công mỹ nghệ Việt Nam”
Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2023: Chương trình đào tạo “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội cho ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may Việt Nam”
Tỉnh Bến Tre, ngày 24 tháng 8 năm 2023: Chương trình đào tạo “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội vươn ra & phát triển toàn cầu cho các sản phẩm Thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm từ dừa”.
Phạm Lê