– Thủ tướng cho rằng, hai bên cần tận dụng tối đa lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 7 tỷ USD trong 2-3 năm tới.
Chiều 21/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose đang thăm Việt Nam từ ngày 21-25/8.
Đánh giá về quan hệ hai nước trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Bỉ luôn nằm trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong ASEAN. Năm 2022 thương mại hai chiều đạt 4,73 tỷ USD.
Để nâng cao tin cậy chính trị và mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, nhất là trong các vấn đề cùng quan tâm như ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, biến đổi khí hậu...
Thủ tướng cho rằng hai bên cần tận dụng tối đa lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 7 tỷ USD trong 2-3 năm tới; đề nghị Bỉ tiếp tục tạo điều kiện cho hàng thủy sản, nông sản truyền thống của Việt Nam như gạo, cà phê và nông sản theo mùa, hàng may mặc, da giày, điện tử vào thị trường Bỉ và EU.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose |
Thủ tướng cũng đề nghị Thượng viện Bỉ thúc đẩy để Nghị viện Liên bang Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước; ủng hộ, thúc đẩy Uỷ ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng IUU của EC đối với hàng thủy hải sản Việt Nam.
Trân trọng việc Bỉ đã dành ODA cho Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực mới, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đề nghị Bỉ hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Bỉ và đối tác châu Phi nhằm ứng phó với vấn đề an ninh lương thực.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đề nghị Bỉ tăng cường hỗ trợ nguồn lực, tài chính, xây dựng thể chế và đào tạo nhân lực để thực hiện cam kết tại COP26, đồng thời có những dự án cụ thể giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển xanh và chống xâm nhập mặn.
Thủ tướng cảm ơn và đề nghị Chính phủ và Thượng viện Bỉ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập ổn định tại Bỉ, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa hai nước; đề nghị phía Bỉ xem xét tăng số lượng học bổng đào tạo sau đại học cho Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường, du lịch… Thủ tướng cũng cảm ơn và đề nghị Bỉ tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc dioxin Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng. Bà bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, sự hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua, nhấn mạnh Việt Nam là đất nước có sức hấp dẫn cao trên thế giới, nhiều công ty của Bỉ quan tâm rất đến thị trường Việt Nam.
Bà Chủ tịch khẳng định, Thượng viện Bỉ sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Bỉ phát triển sâu rộng hơn nữa bằng nhiều hành động, chương trình, dự án cụ thể, trong đó có những lĩnh vực Thủ tướng đã đề cập, nhất là về đổi mới sáng tạo, phát triển thương mại, liên kết chuỗi cung ứng và hỗ trợ nạn nhân dioxin Việt Nam.
Minh Ngọc