- Sau 3,5 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Novaland chứng kiến quy mô nhân sự giảm hơn 40%, nợ tăng gần gấp ba lên lên 8,93 tỷ đô la.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Ảnh minh họa |
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, bất động sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thêm vào đó, sau khi thị trường trái phiếu “đóng sập cửa” sau hàng loạt sai phạm của những “ông lớn”, nguồn tiền vào địa ốc đã hẹp lại nhanh chóng khiến ngành bất động sản đã khó lại càng khó khăn hơn gấp bội.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) nằm trong danh sách những ông lớn bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài việc thua lỗ, Novaland còn gây chú ý khi quy mô nhân sự giảm hơn 40% kể từ đại dịch, nợ tăng gấp ba lên gần 9 tỷ đô. Đồng thời, bản thân Novaland cũng như một số đơn vị trong hệ sinh thái liên tục khất nợ trái phiếu.
Quy mô nhân sự giảm hơn 40% so với trước Covid-19
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, tại ngày 30/6/2023, Tập đoàn có 1.287 nhân viên, giảm 117 người so với cuối năm 2022 và giảm tới 960 người, tương đương 42,7% so với cuối năm 2019.
Như vậy, 3,5 năm sau đại dịch Covid-19, quy mô nhân sự tại Novaland giảm hơn 40%. Đây là kết quả của việc công ty thua lỗ.
Cụ thể, trong quý 2/2023, Novaland ghi nhận Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 1.615 tỷ đồng, tương đương 60,6% so với quý 2/2022 xuống chỉ còn 1.048 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.652 tỷ đồng, giảm 2.976 tỷ đồng, tương đương 64,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với doanh thu, Doanh thu hoạt động tài chính của Novaland cũng đi lùi khi chỉ đạt 766 tỷ đồng, giảm so với 1.651 tỷ đồng của quý 2/2022; lũy kế đạt 1.686 tỷ đồng, giảm so với 2.532 tỷ đồng.
Trong kỳ, Novaland nỗ lực cắt giảm chi phí nhưng vẫn không thoát được một kỳ thua lỗ.
Quý 2/2023, Novaland lỗ 201 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 772 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 lỗ 611 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lãi 1.818 tỷ đồng.
Ngoài ra, hồi cuối quý 2/2023, Novaland có 8,7 tỷ đồng Phải trả người lao động, tăng so với con số 6,5 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Tất cả đều là tiền lương.
Nợ tăng lên 8,93 tỷ đô
Sau 3,5 năm kể từ khi Covid-19, Novaland chứng kiến quy mô nhân sự giảm hơn 40% nhưng Nợ phải trả lại tăng rất mạnh.
Tại ngày 30/6/2023, Nợ phải trả của Novaland đạt 213.039 tỷ đồng (tương đương 8,93 tỷ USD), cao gấp 4,8 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 82,8% tổng nguồn vốn. Có thể thấy, đa số nguồn vốn của Novaland đều nằm ở nợ nần.
Nợ phải trả tăng nhẹ so với 212.917 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 nhưng tăng tới 171.521 tỷ đồng, tương đương 225% so với cuối năm 2019. Như vậy, sau 3,5 năm, Nợ phải trả tại Novaland tăng hơn gấp 3 lần.
Nợ vay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của Novaland. Hồi cuối quý 2/2023, Vay ngắn hạn tại Novaland đạt 24.282 tỷ đồng (trong đó dư nợ trái phiếu là 13.877 tỷ đồng); Vay dài hạn đạt 37.297 tỷ đồng (dư nợ trái phiếu là 29.237 tỷ đồng). Như vậy, tổng nợ vay lên đến 61.579 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần Vốn chủ sở hữu.
Nợ vay lớn nên áp lực trả lãi vay là rất lớn. Trong quý 2/2023, Novaland phải dành 200 tỷ đồng chi phí lãi vay. Con số này trong 6 tháng đầu năm là 358 tỷ đồng. Trên thực tế, Novaland có thể phải chi trả nhiều hơn cho lãi vay vì trên thực tế, suốt thời gian qua, bản thân Novaland và một số công ty trong hệ sinh thái đã nhiều lần khất nợ trái phiếu.
Ngoài các chủ nợ là trái chủ (thông qua kênh phát hành trái phiếu), Novaland còn nhiều chủ nợ là ngân hàng như Credit Suisse AG – Chi nhánh Singapore (1.729 tỷ đòng), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM (1.050 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn (935 tỷ đồng và 825 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (543 tỷ đồng),…
Giải chấp cổ phiếu
Để nhận được các khoản vay, Novaland và các cổ đông lớn đã phải thế chấp tài sản đảm bảo là cổ phiếu NVL. Đây là lý do suốt năm 2022 đến nay, NVL luôn nằm trong danh sách các cổ phiếu bị bán giải chấp. Tỷ lệ sở hữu của nhóm ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland suy giảm, tạo cơ hội cho những ông chủ mới có khả năng bước chân vào công ty.
Cụ thể, mới đây nhất, trong 2 ngày 14/7 và 20/7, NovaGroup đã bị công ty chứng khoán bán khớp lệnh hơn 2,1 triệu cổ phiếu NVL cầm cố. Sau đợt giải chấp này, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup tại Novaland xuống còn 451,6 triệu cổ phần, tương đương 23,159% vốn điều lệ công ty.
Trong 2 phiên 14/7 và 19/7, Diamond Properties cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 495.000 cổ phiếu NVL thông qua phương pháp khớp lệnh. Tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại Novaland đã giảm xuống còn 9,8452%, tương đương 192 triệu cổ phần.
Không chỉ là cổ đông lớn tại Novaland, Novagroup và Diamond Properties còn là tổ chức liên quan tới ông Bùi Thành Nhơn. Ông Nhơn hiện đang trực tiếp nắm giữ 96,8 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng tỷ lệ 4,96% vốn tại Novaland.
Cùng với việc bị giải chấp, các cổ đông lớn còn chủ động bán ra cổ phiếu NVL khiến khối lượng giao dịch của NVL trong một vài phiên tăng đột biến.
Cụ thể, 24/7/2023 là ngày lịch sử của Novaland khi khối lượng giao dịch cổ phiếu NVL lên tới con số cao ngất ngưởng gần 96 triệu đơn vị, tăng mạnh so với 34,7 triệu đơn vị của phiên trước đó. Không chỉ có vậy, trong 3 ngày 26, 27 và 28/7, khối lượng giao dịch của NVL luôn trên 70 triệu đơn vị. Và gần đây nhất, trong phiên đóng cửa tuần này (ngày 4/8), khối lượng giao dịch NVL vọt lên 79,6 triệu đơn vị.