- Tính đến hết tháng 7/2023, quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 178,94 tỷ USD, giảm đến 37,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 17,4%.
Tổng cục Thống kê cho biết, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7/2023 đạt 27 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với tháng trước, tương ứng tăng 639 triệu USD. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2023, quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 178,94 tỷ USD, giảm đến 37,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 17,4%.
Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 7,8 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 4,27 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (giảm 3,5 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (giảm 2,66 tỷ USD). Tính riêng 4 nhóm hàng trên, trị giá nhập khẩu đã giảm hơn 18 tỷ USD so với 7 tháng/2022, chiếm 48% trị giá nhập khẩu giảm của cả nước.
Cụ thể, đối với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, rị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7 đạt 3,57 tỷ USD, tăng 5,2% tương ứng tăng 177 triệu USD so với tháng trước. Trong 7 tháng/2023, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 23,03 tỷ USD, giảm 13,2% tương ứng giảm 3,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu nhóm hàng này của khối doanh nghiệp FDI đạt 15,5 tỷ USD, giảm 16,6% và của khối doanh nghiệp trong nước là 7,54 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc đạt 12,19 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 1,98 tỷ USD, chiếm 53% trị giá nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc đạt 3,18 tỷ USD, giảm 19,2% tương ứng giảm 755 triệu USD.
Trong khi đó, ở nhóm xăng dầu các loại, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 7 đạt 922 nghìn tấn, giảm 11,8% so với tháng trước với trị giá là 725 triệu USD, giảm 3,7%.
Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 6,13 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 4,88 tỷ USD, tăng 12,7% về lượng nhưng giảm 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 3,35 triệu tấn, tăng 6,2%, chiếm 55% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,28 triệu tấn, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 21% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 7 tháng/2023 tăng mạnh ở thị trường Hàn Quốc Singapore và Malalaysia nhưng giảm ở thị trường Thái Lan. Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,46 triệu tấn, tăng 13,5%; Singapore là 1,55 triệu tấn, tăng 105,6%; Malaysia là 1,03 triệu tấn, tăng 26,7%. Trong khi đó nhập khẩu từ Thái Lan là 528 nghìn tấn, giảm 25%.
Đối với nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7/2023 đạt 1,92 tỷ USD, giảm 4,3% (tương ứng giảm 87 triệu USD) so với tháng trước. Tính chung, lũy kế trong 7 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 13,69 tỷ USD, giảm 19,3% (tương ứng giảm 3,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vải các loại đạt 7,39 tỷ USD, giảm 18,8 m%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 3,93 tỷ USD, giảm 16,5%; bông các loại đạt 1,67 tỷ USD, giảm 22%; xơ sợi dệt các loại đạt 1,23 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 7,12 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng nhóm sắt thép các loại, lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 7/2023 đạt hơn 1,09 triệu tấn, tăng 13,7%, đạt trị giá 843 triệu USD, tăng nhẹ 0,7% so với tháng trước. Trong 7 tháng/2023, cả nước đã nhập khẩu 6,64 triệu tấn sắt thép các loại đạt trị giá 5,6 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 30,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ các thị trường chính: Trung Quốc đạt 3,7 triệu tấn, tăng 8,2%; Nhật Bản đạt 1,1 triệu tấn, giảm 3,9%; Hàn Quốc đạt 599 nghìn tấn, giảm 24,5%...so với cùng kỳ năm 2022.
Minh Ngọc