- Trong tháng 7, thị trường các mặt hàng thiết yếu tiếp tục được giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước.
Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của giá thế giới nên một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, khí hóa lỏng LPG; một số mặt hàng tăng giá như: đường, gạo; mặt hàng xăng dầu, thịt lợn có xu hướng tăng, giảm đan xen; mặt hàng phân bón, giá tương đối ổn định. Đây là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, doanh thu các ngành tăng, nhất là doanh thu du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 53,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.777,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng mức và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,1%; may mặc tăng 8,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,7%).
Bộ Công Thương cho biết, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 12%; Hải Phòng tăng 10,5%; Bình Dương tăng 9,7%; Cần Thơ tăng 8,6%; Đồng Nai tăng 8,3%; Đà Nẵng tăng 6,5%; Hà Nội tăng 5,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,8%.
Nhìn chung, thị trường hàng hóa trong 7 tháng năm 2023 không có biến động bất thường. “Với kinh nghiệm điều tiết thị trường và việc chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp khá hiệu quả nên cung cầu hàng hóa cơ bản được bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá hoặc quá dư thừa, giá giảm mạnh kể cả trong giai đoạn cầu tăng (lễ, Tết) và giai đoạn cung tăng (mùa vụ của một số mặt hàng nông sản)”, Bộ Công Thương cho hay.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước
Liên quan đến thị trường xăng dầu, theo báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương, trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 02 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, để bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới, cũng như sơ kết 6 tháng thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở kết quả thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 6 tháng cuối năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Yến Nhi