- Cử tri Đà Nẵng đề nghị dự thảo Luật quy định theo hướng người lao động chỉ cần có hợp đồng lao động thời hạn từ 01 năm trở lên tại địa phương nơi có doanh nghiệp mà người lao động đang ký hợp đồng thì được mua và thuê nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là phù hợp.
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023 với các nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri kiến nghị xem xét trình Quốc hội một số vấn đề trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như sau:
- Luật Nhà ở hiện hành quy định điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân. Với quy định này, người lao động muốn thuê, mua nhà ở xã hội là rất khó. Bởi vì, trong khi giá cả thị trường luôn biến động và tăng cao, người lao động phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số bị đánh thuế, khi đó sẽ không bảo đảm điều kiện được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét, bỏ quy định này.
- Đề nghị dự thảo Luật quy định theo hướng người lao động chỉ cần có hợp đồng lao động thời hạn từ 01 năm trở lên tại địa phương nơi có doanh nghiệp mà người lao động đang ký hợp đồng thì được mua và thuê nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là phù hợp.’’
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3655/BXD-QLN trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội (bao gồm cả hình thức mua, thuê, thuê mua) phải đồng thời đảm bảo 3 điều kiện:
- Về nhà ở: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu (dưới 10 m2/người);
- Về cư trú: Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này (trừ học sinh sinh viên);
- Về thu nhập: phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Quy định nêu trên dẫn đến việc xác minh đối tượng, điều kiện...phức tạp, rườm rà, khó khăn cho người dân. Do vậy, hiện tại Chính phủ đang trình Quốc hội khóa XV dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng giảm các điều kiện khi thuê, mua nhà ở xã hội, trong đó quy định cụ thể tại Điều 75, Điều 90 của dự thảo về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
- Nếu thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập;
- Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ phải đáp ứng 2 điều kiện (nhà ở, thu nhập), trong đó điều kiện về thu nhập là thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
- Nếu thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.
Về thuê nhà lưu trú công nhân: tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 quy định theo hướng cắt giảm điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân: chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp là đủ điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân trong thời gian làm việc (không quy định điều kiện về nhà ở, thu nhập).
Bên cạnh đó, “cử tri kiến nghị, việc sửa đổi Luật Nhà ở cần mở rộng đối tượng được tiếp cận, bố trí nhà ở công nhân lao động, cụ thể bổ sung thêm các đối tượng là: Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường; viên chức (trong đó đặc biệt là giáo viên) và người lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.”
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3655/BXD-QLN trả lời như sau:
Luật Nhà ở hiện hành đã quy định: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp là các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập.
Về việc tiếp cận, bố trí nhà ở cho công nhân lao động theo ý kiến cử tri: dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã quy định đối tượng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng công nhân ngoài khu công nghiệp như ý kiến cử tri thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri để tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
- Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường nếu thuộc nhóm đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và đáp ứng điều kiện theo quy định đối với nhóm đối tượng này thì được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội.