- Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chính thức bắt đầu giao dịch với nhau bằng đồng nội tệ của họ.
Chính phủ Ấn Độ vừa thông báo rằng nhà máy lọc dầu hàng đầu của nước này - Indian Oil Corp. đã sử dụng đồng rupee nội tệ để mua một triệu thùng dầu từ Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi - chứ không phải dùng đồng đô la Mỹ (USD) như trước đây.
Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương của Ấn Độ đã tiết lộ một khuôn khổ mới để thanh toán thương mại toàn cầu bằng đồng rupee - một ý tưởng đã thành hiện thực vào tháng trước, khi Ấn Độ là nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới ký hai thỏa thuận với UAE.
Đầu tiên, hai gã khổng lồ ngành năng lượng của Ấn Độ và UAE đồng ý thực hiện các giao dịch thanh toán giữa họ bằng đồng nội tệ trong nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí giao dịch và loại bỏ việc chuyển đổi sang đồng đô la Mỹ. Họ cũng đồng ý thiết lập một liên kết thanh toán theo thời gian thực để đơn giản hóa việc chuyển tiền xuyên biên giới.
Các thỏa thuận sẽ cho phép thực hiện “những giao dịch và thanh toán xuyên biên giới liền mạch, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế lớn hơn”, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ giải thích trong một tuyên bố được phát đi hồi cuối tuần vừa rồi.
Ấn Độ và UAE không hề đơn độc trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ (USD). Các quốc gia lớn trên thế giới - đặc biệt là Trung Quốc và Nga - rất muốn truất ngôi đồng đô la để đáp trả các biện pháp trừng phạt và chính sách đối ngoại hung hăng của Mỹ.
Xu hướng này - được coi là "phi đô la hóa" - đã gây ảnh hưởng đến mức một số người đang đặt câu hỏi liệu thời kỳ thống trị của đồng đô la đã kết thúc hay chưa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hiện tại không có loại tiền tệ nào có thể thay thế đồng bạc xanh của nước họ.
Phát biểu có tính trấn an nói trên của bà Yellen được đưa ra sau khi tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng đô la giảm 8% vào năm 2022. Trong nỗ lực đa dạng hóa, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã bắt đầu từ bỏ dần dự trữ bằng đồng đô la của họ để chuyển sang vàng.