- Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 07 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023; kết quả xử lý kiến nghị của địa phương theo Quyết định 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp Chính phủ Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 7 và 07 tháng cơ bản ổn định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm (khoảng 1% so với cuối năm 2022); tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Thu Ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 62,7% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, tính chung 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ (05 tháng giảm 0,8%, 06 tháng tăng 0,5%). Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37,85% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (34,47%) với số tuyệt đối cao hơn gần 81 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá; diện tích gieo trồng lúa mùa và sản lượng gạo tăng, tranh thủ được cơ hội về giá và thị trường xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước; chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước.
Tình hình doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 7, có khoảng 20,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả doanh thu, lợi nhuận quý II của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, xây dựng... cải thiện hơn so với quý I.
Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã tạo chuyển biến tích cực về dòng tiền, nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư.
Nỗ lực hơn nữa để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kết quả đạt được có xu hướng cải thiện qua từng tháng. Tuy nhiên, do bối cảnh khó khăn chung của thế giới và khu vực, tình hình khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 105/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Một là, tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Ba là, thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.
Bốn là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Năm là, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng Hydrogen...
Sáu là, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân.
Bảy là, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa.
Tám là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Chín là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Mười là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế; sự lãnh đạo, quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.
Minh Ngọc