- Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%).
12 Bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 8027/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2023.
Theo đó, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 213.083,7 tỷ đồng, đạt 28,26% kế hoạch (754.047,2 tỷ đồng) và đạt 30,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (707.044,2 tỷ đồng) (cùng kỳ năm 2022 đạt 25,18% kế hoạch và đạt 27,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo báo cáo, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 31,61% kế hoạch và đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cũng theo Báo cáo, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%); trong đó vốn trong nước đạt 38,53% (cùng kỳ năm 2022 đạt 36,02%), vốn nước ngoài đạt 21,47% (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,90%).
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30% ), Long An (54,29%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (63,38%), Ngân hàng chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).
Có 40/52 Bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% (tỷ lệ trung bình của cả nước), trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 04 địa phương chi giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.
Vẫn còn một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa phân bổ vốn
Trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 7 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết còn tồn tại một số vướng mắc.
Theo đó, một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa phân bổ vốn và giải ngân kế hoạch năm 2023; một số Bộ, cơ quan trung ương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không thực hiện việc phân bổ và giải ngân trong kế hoạch năm 2023.
Các dự án sử dụng vốn nước ngoài chậm tiến độ do quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị nguồn vốn ODA có nhiều thủ tục và cần nhiều thời gian; phát sinh vướng mắc trong quá trình lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu do một số thiết bị tiên tiến chưa có báo giá trên thị trường để phục vụ cho công tác thẩm định giá.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công, rà soát tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương (bao gồm cả số không phân bổ hết) theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kì tháng 6 năm 2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương; chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân theo đúng quy định.
Đồng thời, khẩn trương phân bổ kế hoạch năm 2023 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; giao bổ sung vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với 03 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng: Đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương căn cứ nhu cầu bố trí vốn cho từng dự án thành phần trong kế hoạch năm 2023 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thành phần để thực hiện.
Minh Ngọc