- Thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới trước tiên là tin vui, bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước cũng tăng.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vượt giá của Thái Lan
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)... Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và đắt nhất thế giới.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hôm nay cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Nên mừng hay lo?
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới trước tiên là tin vui, bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước cũng tăng. Do đó, các doanh nghiệp cần xem xét, tính toán như thế nào cho hợp lý lúc này là vấn đề căng não.
Mặt khác, giá gạo tăng cao như vậy nhưng người nhẽ ra nên được được hưởng nhiều nhất đó là nông dân – những người trực tiếp sản xuất ra hạt gạo, song thực tế lại không như vậy.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đó là sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt giây”.
“Trong nhiều chỉ đạo liên quan đến vấn đề về thị trường gạo, mục tiêu Bộ Công Thương đưa xuyên suốt là làm sao vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Đây là vấn đề đúng và trúng, bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Do đó, không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người dân thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần là phải có tích trữ phù hợp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần xem xét mức độ chúng ta bán được đến đâu. Bởi việc bán được hàng hóa với mức giá hấp dẫn cũng là cơ hội không phải khi nào cũng có. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tích trữ là cần thiết, nhưng cần vừa đủ. Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, giá cả các loại hàng hóa nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu. Vì vậy, hiện nay các thị trường lớn về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ có những chủ trương lớn liên quan đến gạo như Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng lúa do hạn hán... đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây. Giá gạo xuất khẩu tăng vọt, đồng thời, đẩy giá gạo trong nước của nhiều quốc gia tăng cao.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, những ngày qua, giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động. Đặc biệt là ở các siêu thị và điểm bán hàng bình ổn giá.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng chia sẻ, trong 7 tháng qua, chúng ta xuất khẩu hơn 4,83 triệu tấn lúa gạo, trị giá hơn 2 tỷ USD. So với những năm trước, con số này tăng khoảng 15-20%, tăng về cả giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu. Tiếp đến, lúa gạo tăng giá, người nông dân cũng vui mừng. Đời sống của họ được trực tiếp cải thiện, từ đó họ sẽ động lực để giữ đất, thâm canh sản xuất. Người dân sẽ chủ động thay đổi các giống lúa chất lượng cao, từ đó cả chất và lượng của đầu ra lúa gạo được tăng lên.
“Nhưng cái lo là gì? Qua theo dõi thông tin, tôi thấy rằng trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong ‘rổ’ tính giá CPI. Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân”, Chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 07 với những giải pháp dài hơi, trong đó nhấn mạnh lại vấn đề này. Đây là biện pháp kịp thời của bộ quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. Bởi nếu cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Yến Nhi