- Sự mất giá của đồng rúp Nga trong những tuần gần đây đã khiến nó trở thành một trong ba loại tiền tệ hoạt động kém nhất của thị trường mới nổi, bên cạnh đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng peso của Argentina, Bloomberg hôm qua (10/8) trích dẫn các tính toán dựa trên dữ liệu giao dịch cho biết.
Đồng tiền của Nga đã suy yếu so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu tháng 6, khi một đô la được định giá khoảng 80-81 rúp. Đầu tuần này, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp mới trong 16 tháng ở mức 98 rúp đổi được một đồng bạc xanh, mức yếu nhất kể từ cuối tháng 3 năm 2022 - tháng đầu tiên sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhìn chung, đồng rúp đã suy yếu khoảng 24% so với đồng đô la Mỹ từ đầu năm đến nay.
Ngân hàng Trung ương Nga tuần trước giải thích sự suy yếu của đồng rúp là do cán cân ngoại thương thay đổi và khối lượng doanh thu ngoại tệ bán ra thấp của các nhà xuất khẩu. Trong khi nhập khẩu của đất nước tăng lên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến xuất khẩu sụt giảm, vốn là nguồn ngoại tệ chính của đất nước. Kết hợp với những nỗ lực của Nga trong việc chuyển giao dịch thương mại với các đối tác nước ngoài sang đồng rúp và các loại tiền tệ quốc gia khác, dòng đô la và euro vào Nga bắt đầu giảm.
Số tiền thu được từ việc bán thu nhập bằng ngoại tệ của các nhà xuất khẩu Nga trong năm nay cũng thấp hơn nhiều so với năm 2022. Chẳng hạn, vào tháng 7, số tiền thu được là 6,9 tỷ đô la so với 16,8 tỷ đô la trong cùng tháng năm ngoái.
Trong khi đó, nhà kinh tế Alexander Isakov của Bloomberg cho rằng sự mất giá của đồng rúp cũng “do dòng vốn chảy ra ngoài”. Ông lưu ý rằng chi tiêu gia tăng của chính phủ đang thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu vào thời điểm xuất khẩu giảm, trong khi các hộ gia đình ngày càng chuyển tiền sang các ngân hàng nước ngoài do lãi suất đồng rúp không đáp ứng được kỳ vọng lạm phát.
Tuy nhiên, ông Isakov dự đoán rằng đồng rúp có thể tìm thấy nhiều hỗ trợ hơn trong ngắn hạn nếu ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản lên 9,5% và chính quyền cắt giảm chi tiêu.