- Không gian đô thị được định hướng điều chỉnh mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ huyện Đông Anh; một phần phía Tây đường Vành đai 4; một phần phía bắc thị trấn Sóc Sơn…
Chiều 9/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với UBND các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn tổ chức tọa đàm về các định hướng lớn Quy hoạch Thủ đô, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo hiện trạng khu vực phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô thông tin, khu vực rộng khoảng 631 km2, dân số khoảng 1 triệu người.
Theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (QHC 1259) khu vực sẽ phát triển vùng đô thị tại hai huyện Đông Anh - Mê Linh. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là trung tâm giáo dục và đào tạo. Đây cũng là khu vực phát triển đô thị ở phía Đông đường Vành đai 4. Khu vực nông thôn của các huyện là hành lang xanh, vành đai xanh và nêm xanh. Trong khu vực có sân bay Nội Bài, hệ thống khu cụm công nghiệp. Khu vực có ga đường sắt trung tâm Bắc Hồng; một số các công trình hạ tầng kỹ thuật như Khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang…
Định hướng điều chỉnh mở rộng không gian đô thị toàn “lãnh thổ” huyện Đông Anh - ảnh minh họa |
Một số vấn đề trong liên kết và kết nối vùng được chỉ ra là kết nối hai bên sông Hồng còn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Các dự án tạo việc làm và dự án chiến lược đã hoạch định nhiều nhưng chưa triển khai, chưa hình thành. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều vấn đề. Nguồn lực đầu tư phát triển và chính sách phát triển chưa có đột phá…
Trên cơ sở đó, định hướng chiến lược đặt ra là kế thừa phát triển Quy hoạch chung 1259 và Vùng Thủ đô, khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, hành lang xuyên Á, xây dựng phía Bắc sông Hồng trở thành trung tâm kết nối toàn cầu; thu hút phát triển các trung tâm chức năng mới của nền kinh tế như dịch vụ quốc tế, sản xuất tiên tiến, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ... để hình thành các khu vực phát triển đô thị gắn với sản xuất dịch vụ.
Không gian đô thị được định hướng điều chỉnh mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ huyện Đông Anh; một phần phía Tây đường Vành đai 4; môt phần phía bắc thị trấn Sóc Sơn; khai thác cải tạo các tuyến sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Thiếp, đầm Vân Trì, song Ngũ huyện Khê là không gian cảnh quan đô thị;
Xây dựng đô thị năng động gắn với Sân bay, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc trục xuyên Á, trục Nhật Tân - Nội Bài, tạo dựng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế, kết nối toàn cầu; phát triển đô thị theo mô hình TOD, thông minh, gắn với hệ thống giao thông công cộng.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Cùng với đó, hình thành các trung tâm mới của đô thị, của khu vực và quốc tế; phát triển các khu thể thao quốc gia, cấp quốc tế; bảo tồn các di tích văn hoá lịch sử gắn với hoạt động du lịch; phát triển các khu vực nông nghiệp gắn chất lượng cao gắn với khai thác du lịch
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, hiện nay Sở đã hoàn thiện phương án sơ bộ Quy hoạch du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó khu vực 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch quan trọng của Thành phố, với định hướng 2 cụm du lịch trọng điểm là Núi Sóc - Hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa và nằm trên một trong 2 tuyến vành đai du lịch quan trọng của thành phố là vành đai sông Hồng.
Sở đề xuất đơn vị tư vấn quan tâm nghiên cứu địa điểm thuận lợi, ưu tiên các quỹ đất rộng (khoảng từ 50-100 ha) phát triển các tổ hợp dịch vụ - du lịch hiện đại, chuyên nghiệp, như tổ hợp thể thao gắn với du lịch (khu vực huyện Đông Anh, Sóc Sơn), tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao gắn với khai thác du lịch (huyện Mê Linh, Sóc Sơn), Tổ hợp mua sắm outlet (huyện Sóc Sơn, Đông Anh)…
Tổng hợp sau các ý kiến của lãnh đạo 3 huyện và các chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải yêu cầu các huyện, đơn vị bám yêu cầu của khung định hướng quy hoạch để đạt sự thống nhất trong công việc; thể hiện rõ hơn và sâu hơn những yếu tố mới, đột phá, tầm nhìn dài hạn và khát vọng trong phát triển.
Về nhiệm vụ xây dựng 2 mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô, trong đó có mô hình tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải khẳng định mô hình này được xác định sẽ là nguồn lực, động lực trong tương lai của Hà Nội. Do đó, các đơn vị cần nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao với sứ mệnh đem lại động lực mới, nguồn lực mới không chỉ cho 3 huyện mà cho cả Thành phố và Vùng đồng bằng sông Hồng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Đông Anh, thành phố Hà Nội và 24 phường trên cơ sở nguyên trạng 185,68km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có.
Huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 185.08km2, quy mô dân số đạt hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm thành phố Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai. Đặc biệt địa bàn huyện cách sân bay quốc tế Nội Bài 13km - cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thể phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.
“Việc thành lập quận Đông Anh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo tiền để cho Đông Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch đang được các cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.
Quận Đông Anh sau khi thành lập có 185.68km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, bao gồm: Đông Anh; Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh và Xuân Nộn.
Việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh đã cơ bản đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thành phố Hà Nội cũng đang triển khai lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 để trình Chính phủ phê duyệt, đảm bảo phù hợp việc thành lập quận Đông Anh và các phường.