- BRICS cần tìm kiếm một lựa chọn thay thế cho đồng tiền của Mỹ (USD), nhà kinh tế người Brazil Paulo Batista
Cựu Đại diện của Brazil tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - ông Paulo Nogueira Batista Jr. mới đây đã nói với tờ RT rằng hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên đồng đô la Mỹ (USD) đang ngày càng trở nên “rối loạn chức năng”, khiến các nước BRICS phải cân nhắc việc tạo ra đồng tiền của riêng họ.
Theo ông Batista, mặc dù đồng bạc xanh sẽ vẫn là một loại tiền tệ hợp pháp quan trọng trên toàn cầu nhưng đồng tiền này không còn có thể được tin cậy được nữa.
Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg, nhà kinh tế người Brazil cho rằng các tổ chức tài chính do Mỹ lãnh đạo không giải quyết được nhu cầu của các nước đang phát triển. Ông Batista chỉ ra “sự bất mãn ngày càng gia tăng” giữa các nền kinh tế thị trường mới nổi với cách thức hoạt động của các tổ chức dựa trên đồng đô la Mỹ hiện tại như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
“Chúng tôi vẫn ở IMF, chúng tôi vẫn ở Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đang tham gia nhưng chúng tôi quyết định tạo ra con đường phát triển của riêng mình vì thế giới đang ngày càng trở nên đa cực và các tổ chức của Washington không đáp đứng được điều đó,” ông Batista phát biểu, đề cập đến ngân hàng BRICS.
Chính thức được gọi là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), tổ chức này là một tổ chức phát triển tài chính đa phương được thành lập bởi liên minh các nền kinh tế mới nổi lớn, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vào năm 2014.
Nhà kinh tế người Brazil lưu ý rằng NDB được tạo ra bởi và dành cho các nền kinh tế mới nổi mà không có sự tham gia của các nước tiên tiến, đồng thời tuyên bố rằng ngân hàng này “hướng về phía Nam toàn cầu nhiều hơn những gì Ngân hàng Thế giới có thể làm được”.
“Chúng tôi đã chủ ý để ngân hàng hành động theo cách không xâm phạm – hỗ trợ các kế hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững ở các quốc gia mà không cố gắng chỉ đạo họ, áp đảo họ bằng các quy tắc không nhất thiết là những quy tắc mà họ thấy phù hợp với họ”, ông Batista nói thêm.
Nói về triển vọng phi đô la hóa, ông Batista tuyên bố rằng đồng bạc xanh sẽ vẫn là “đồng tiền rất quan trọng”, nhưng việc Mỹ sử dụng đồng đô la làm vũ khí nhắm vào các nước bị coi là thù địch với phương Tây đã làm giảm niềm tin vào đồng tiền này.
Vị cựu quan chức IMF cảnh báo: “Khi Mỹ làm những gì họ làm bằng cách lợi dụng vai trò là nhà phát hành đồng tiền thống trị, các quốc gia khác không chắc liệu họ có thể tiếp tục sử dụng đồng đô la như họ đã sử dụng hay không”.
Ông Batista nhấn mạnh rằng thế giới đa cực sẽ dẫn đến việc giảm bớt vai trò của các loại tiền tệ phương Tây.
“Việc sử dụng đồng đô la cho các mục đích chính trị, địa chính trị, đặc biệt là chống lại Nga, đang gia tăng”, cựu giám đốc điều hành IMF giải thích.
Theo ông Batista, BRICS có “vai trò” trong việc tạo ra đồng tiền dự trữ của riêng mình. Nga đã đề xuất rằng loại tiền mới được gọi là 'R-5', vì tiền tệ của các quốc gia BRICS đều bắt đầu bằng chữ 'R' (đồng real, đồng rúp, đồng rupee, đồng renminbi - nhân dân tệ và đồng rand).
“Tôi tin rằng đồng R-5 có thể được bắt đầu như một tài khoản hợp nhất và sau đó phát triển sang các bước khác”, ông Batista kết luận.