- Cuối năm 2022, Tập đoàn Vicoland đối mặt với khoản lỗ lũy kế gần 100 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty đang có 500 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5 tại VietABank. Tài sản đảm bảo là dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải cũng trong tình trạng chậm tiến độ.
Ảnh minh họa |
500 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5 tại VietABank
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) là một trong các ngân hàng bị chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland (Vicoland Group).
Theo đó, VietABank phân loại nợ chưa đúng quy định theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội với doanh nghiệp này. Theo quy định, khách hàng nêu trên phải chuyến từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 4, nhóm 5.
Được biết, khoản nợ của Vicoland ở thời điểm ngày 30/11/2020 đã chuyển sang nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), ngày 31/10/2021 chuyển nhóm nợ 4. Hiện, Vicoland vẫn đang nợ VietABank 500 tỷ đồng, thuộc nhóm nợ 5 - nợ có khả năng mất vốn.
Vicoland thành lập ngày 5/6/2007 với ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Tập đoàn này gắn liền với tên tuổi ông Bùi Đức Long.
Vicoland hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản - du lịch với chuỗi dự án nghỉ dưỡng cao cấp Risemount và Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải. Ngoài ra, Vicoland Group cũng đứng sau T99 Group, hệ thống cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân như cầm đồ, môi giới bất động sản...
VietABank không phải đối tác ngân hàng duy nhất của Vicoland. Ngoài VietBank, Vicoland còn vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Dự án chậm tiến độ
Như đã nêu trên, hiện Vicoland vẫn đang nợ VietABank 500 tỷ đồng, thuộc nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Hai bên đã ký hợp đồng tín dụng từ năm 2015.
Cụ thể, 31/12/2015, Vicoland đã ký Hợp đồng số 503-02/15/VAB/HĐTCQTS-HTTTL với VietABank - Chi nhánh Hà Nội. Tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là dự án Địa Trung Hải) do Vicoland làm chủ đầu tư.
Dự án Địa Trung Hải được Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp chứng nhận lần đầu ngày 02/10/2009, thay đổi lần đầu ngày 12/03/2010, lần 2 ngày 20/12/2011, lần 3 năm 2017 và được cấp phép xây dựng số 01/2016/GPXD ngày 25/1/2016. Tuy nhiên, Vicoland đã chậm trễ cả về hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng như phát triển dự án.
Ngày 14/9/2022, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 956/KL-TTCP thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch. Theo đó, Vicoland được xác định là chưa thực hiện nộp đầy đủ số tiền ký quỹ 8 tỷ đồng theo cam kết đầu tư ký ngày 13/7/2011 với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (mới nộp 3,3 tỷ đồng), chưa đảm bảo đúng thời hạn nộp theo cam kết.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng việc xác định 20.638 m2 đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch là loại đất ở trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 1/6/2017 là chưa đúng quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Tổng thời gian dự án được gia hạn tiến độ qua 2 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là 87 tháng, gấp 3,6 lần tổng thời gian giãn tiến độ quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014…
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đôn đốc Vicoland tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Ngoài ra, dự án Địa Trung Hải lại là một trong những dự án nằm trong danh sách dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2021 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kinh doanh thua lỗ
Có thể thấy, VietABank đang phải đối mặt với khoản nợ rất xấu, có khả năng mất vốn tại Vicoland khi mà giá trị nợ lên đến 500 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vicoland đang kinh doanh kém sắc khi thua lỗ liên tục và âm dòng tiền.
Cụ thể, dù có vốn chủ sở hữu lên đến 1.122 tỷ đồng nhưng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Vicoland chỉ là 44 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 52,4 tỷ đồng của năm 2021.
Kết quả là Vicoland nối dài chuỗi năm thua lỗ với khoản lỗ năm 2022 là 7,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, công ty lỗ 81,9 tỷ đồng. Vì vậy, tới cuối năm 2022, lỗ lũy kế của công ty đạt 98,7 tỷ đồng.
Chuỗi năm âm dòng tiền của Vicoland được tiếp diễn. Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần trong năm của công ty âm 6,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số âm 119 tỷ đồng của năm 2021.