- Tờ Thời báo Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đưa tin Trung Quốc đang điều chỉnh lại hoạt động đầu tư vào các thị trường mới nổi trong một dấu hiệu nhằm tách rời nền kinh tế của nước này khỏi phương Tây trong bối cảnh sự thù địch ngày càng gia tăng giữa phương Tây với Bắc Kinh.
Các công ty Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các dự án khai thác mỏ và năng lượng ở Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và xe điện.
Gần đây, Indonesia - quốc gia giàu niken, đã trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 17% trong tổng số đầu tư của nước này khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách mở rộng sự hiện diện và tập trung vào các thị trường giàu tài nguyên, tờ Thời báo Phố Wall cho hay.
Trong khi đó, tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Bắc Kinh giảm 18% xuống còn khoảng 147 tỷ USD vào năm 2022 so với năm trước, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.
Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho biết: “Nói chung, khả năng Trung Quốc chuyển hướng đầu tư sang các nền kinh tế tiên tiến nước ngoài đang bị thu hẹp. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ và nỗ lực thúc đẩy tự cung tự cấp về kinh tế ngày càng tăng, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc khó có thể tăng đáng kể trong vài năm tới.
Trước năm 2016, Trung Quốc tích cực khuyến khích các doanh nghiệp của mình đầu tư vào nhóm G-7 nền kinh tế tiên tiến để giúp mở rộng sự hiện diện của Bắc Kinh trên thị trường quốc tế. Chỉ riêng trong năm 2016, các công ty Trung Quốc bao gồm các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện 120 khoản đầu tư trị giá 84 tỷ USD vào các nước G7, trong đó có 63 khoản đầu tư vào Mỹ, tờ báo trích dẫn cơ sở dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI).
Dữ liệu cho thấy năm ngoái, dòng vốn của Trung Quốc vào các nền kinh tế G7 đã giảm xuống chỉ còn 7,4 tỷ USD. Các khoản đầu tư trực tiếp của nước này vào các nước EU đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ vào năm 2022 với tổng trị giá 8,8 tỷ USD, một báo cáo của Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tiết lộ.
Các nhà nghiên cứu viết: “Tình hình kinh tế mong manh và áp lực địa chính trị của Trung Quốc khiến việc phục hồi mức đầu tư vào giữa năm 2010 là khó xảy ra”.
Đồng thời, các thị trường mới nổi ở Châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông đang gặt hái những lợi ích từ cuộc cải tổ đầu tư của Bắc Kinh, đã thu được tổng cộng 24 tỷ USD dòng vốn từ Trung Quốc vào năm 2022. Con số này tăng 13% so với năm 2021, theo vào cơ sở dữ liệu AEI.