Thúc đẩy mua bán nợ theo giá thị trường là một giải pháp hữu hiệu, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng tính đến tháng 4 vừa qua lên lớn hơn ngưỡng 3%, trong đó có những ngân hàng thậm chí còn lớn hơn 6%. Cùng với đó là những khoản nợ xấu tiềm ẩn cũng gia tăng sau giai đoạn được giãn hoãn.
Hết quý I năm nay, nợ xấu đã tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Công ty quản lý tài sản VAMC không được tham gia đấu giá các khoản nợ xấu của các ngân hàng là một rào cản.
Theo thống kê của tổ chức cung cấp dữ liệu tài chính và nghiên cứu thị trường Wigroup, đến hết quý I vừa qua tỷ lệ nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng, trong khi mức trích lập dự phòng lại giảm. Áp lực này có thể được gỡ một phần nhờ hàng loạt các chính sách.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, các cơ quan chức năng đã thực hiện các hành động để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn nhưng cần các giải pháp mang tính cấu trúc hơn và thúc đẩy thị trường mua bán nợ.
Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn giám sát về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ khu vực, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: "Các cơ quan nên tận dụng việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đang diễn ra để xây dựng các khuôn khổ phát triển thị trường mua bán nợ, cải thiện khung cưỡng chế nợ, xử lý mất khả năng thanh toán và tăng các quy định giám sát, xử lý khủng hoảng ngân hàng".
Gỡ nút thắt trong đấu giá, tăng hiệu quả vận hành của sàn giao dịch nợ VAMC với sự tham gia của tất cả các tổ chức tín dụng sẽ giúp minh bạch và thúc đẩy thanh khoản trên thị trường mua bán nợ xấu.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/thuc-day-mua-ban-no-xau-theo-gia-thi-truong-20230714203738393.htm