Gửi tiền lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng gần như biến mất khỏi thị trường. Chỉ còn một ngân hàng vẫn còn trả mức này.
Trung bình trong một tháng qua, lãi suất tiết kiệm đã giảm tiếp 0,3-0,5 điểm %. Những đơn vị điều chỉnh có cả nhóm tư nhân và có vốn Nhà nước.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, CBBank là ngân hàng duy nhất còn áp dụng mức lãi suất tiền gửi trên 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Nhà băng này từng giảm lãi suất xuống dưới 8%/năm, nhưng sau đó đã quay trở lại mức cũ.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7, gần 20 nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Các ngân hàng trong nước đều đưa lãi suất trung bình về dưới 8%/năm.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, chính sách lãi suất huy động các nhà băng niêm yết áp dụng cụ thể theo đặc thù từng vùng, từng đơn vị, từng khách hàng với hạn mức gửi. Các khách hàng khi liên hệ trực tiếp phòng giao dịch trên hệ thống ngân hàng có thể sẽ được hưởng mức lãi suất tốt hơn.
Làn sóng giảm lãi suất diễn ra sau khi lãi suất điều hành liên tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm từ đầu năm. Gần nhất, từ 19/6, trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng giảm xuống 4,75%/năm.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm trần lãi suất huy động. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% về 5,5%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1% về 0,5%/năm. Đến cuối tháng 5, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm tiếp 0,5 điểm % xuống 5%/năm.
Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước, là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.
Còn một ngân hàng trả lãi 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng (Ảnh: Mạnh Quân). |
Quyết định này được đưa ra theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước được một số yếu tố ủng hộ như lạm phát được kiểm soát và thanh khoản của các tổ chức tín dụng đảm bảo.
Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn hệ thống là 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối 2022 và bằng ⅓ kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng thậm chí chạm trần hạn mức tăng trưởng.
Đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng lên gần chạm mức trần cả năm 14%, từ mức 11%. Việc phân bổ room lần này được cho là sẽ giúp các nhà băng kịp thời cung ứng thêm vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/qua-thoi-gui-tien-ngan-hang-lai-suat-cao-muc-8nam-gan-nhu-bien-mat-20230715010544310.htm