- Ngân hàng Raiffeisen của Áo - một trong những ngân hàng lớn cuối cùng của phương Tây còn đang hoạt động ở thị trường Nga, đang trì hoãn việc rút khỏi thị trường này bất chấp áp lực từ các cơ quan quản lý của Liên minh Châu Âu (EU), Reuters hôm qua (6/7) đưa tin. Cơ quan này dẫn lời các quan chức ở Vienna lên tiếng bảo vệ mối quan hệ lâu dài với Moscow.
Ngân hàng Raiffeisen được coi là đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, cung cấp huyết mạch cho các khoản thanh toán bằng đồng euro đến và đi từ nước này. Đây là một trong hai ngân hàng nước ngoài duy nhất trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của ngân hàng trung ương Nga. Ngân hàng còn lại là UniCredit của Italia.
Vào tháng 3, ngân hàng của Áo đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga vào tháng 9, sau áp lực ngày càng tăng từ chính quyền phương Tây.
Tập đoàn RBI – tập đoàn sở hữu ngân hàng Raiffeisen, đã phản đối yêu cầu từ Mỹ và EU về việc đẩy nhanh quá trình rút khỏi thị trường Nga, trong khi các quan chức Áo bày tỏ hy vọng khôi phục quan hệ với Moscow sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc, Reuters đưa tin.
“Mặc dù Áo công khai ủng hộ Ukraine, một số quan chức nói chuyện với Reuters cho biết họ chần chừ không muốn cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ đã tồn tại hàng thập kỷ với Nga, vì nghĩ rằng mối quan hệ đó vẫn có thể khôi phục lại,” hãng tin này cho biết.
Tổ chức tín dụng lớn thứ hai của Áo đã chịu áp lực ngày càng tăng từ các quan chức và nhà đầu tư phương Tây trong những tháng gần đây. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là đã kêu gọi các ngân hàng rời khỏi thị trường Nga, trong khi Tập đoàn RBI phải đối mặt với sự giám sát ở Mỹ và EU về khả năng vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dưới áp lực từ Washington, ngân hàng Raiffeisen đã chuyển dữ liệu về các giao dịch của Nga cho cơ quan trừng phạt của Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ, Reuters trích dẫn các nguồn tin cho hay.
Tuy nhiên, các quan chức Áo tuyên bố rằng ngân hàng của họ đã bị đối xử một cách không công bằng, hãng tin này trích dẫn những nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Áo tuyên bố rằng các ngân hàng EU khác cũng đang hoạt động ở Nga.
“Một ngân hàng không thể rời khỏi một đất nước như thế chỉ trong một đêm,” vị quan chức của Áo nhấn mạnh.
Tập đoàn RBI vẫn chưa vạch ra kế hoạch của mình cho ECB, khiến việc rút khỏi Nga khó có thể xảy ra vào tháng 9, theo Reuters.
“Sự hiện diện của RBI nhấn mạnh chiều sâu của mối quan hệ giữa Áo và Nga, hai nước duy trì mối quan hệ chặt chẽ thông qua các đường ống dẫn khí đốt và tài chính của Nga, với Vienna là trung tâm thu tiền từ Nga và các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ,” tờ báo lưu ý.
Ngân hàng Raiffeisen trước đó đã cảnh báo rằng quyết định rút khỏi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao ở Nga sẽ dẫn đến “sự sụt giảm thu nhập do Ngân hàng Raiffeisen ở Nga tạo ra” và ảnh hưởng đến khách hàng của RBI.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Raiffeisen trước đây đã nhấn mạnh rằng bất kỳ đợt chia tách nào cũng sẽ mất từ bốn đến bảy tháng.
RBI có khoảng 2.600 khách hàng doanh nghiệp, 4 triệu chủ tài khoản địa phương và 10.000 nhân viên ở Nga.