- Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), môi trường đầu tư quốc tế “cực kỳ ảm đạm” vào năm ngoái khi các cú sốc địa chính trị và kinh tế liên tục xuất hiện, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% vào năm 2022 xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, UNCTAD cho biết trong Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2023.
Tổ chức này cho rằng sự sụt giảm nói trên là do các cuộc khủng hoảng toàn cầu chồng chéo, chẳng hạn như xung đột ở Ukraine, giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như nợ công tăng vọt. Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết: “Lạm phát gia tăng, lo ngại về suy thoái kinh tế và sự hỗn loạn trên thị trường tài chính khiến nhiều kế hoạch đầu tư bị đình trệ vào đầu năm”.
Theo báo cáo của UNCTAD, những thách thức kinh tế toàn cầu có tác động đặc biệt tiêu cực đến hoạt động tài trợ cho các dự án quốc tế cũng như hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới.
Đầu tư sụt giảm chủ yếu được cảm nhận rõ nét ở các nền kinh tế phát triển, nơi vốn FDI giảm 37% xuống còn 378 tỷ USD do hạn chế tài chính lớn hơn, lãi suất cao hơn và sự không chắc chắn trên thị trường vốn.
Các doanh nghiệp đa quốc gia ở các nền kinh tế phát triển chịu trách nhiệm chính cho sự sụt giảm dòng vốn FDI khi các ngành công nghiệp trên toàn thế giới phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung.