- Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm.
Mặt bằng lãi suất đã ổn định
Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát vẫn ở mức cao mặc dù đã giảm, ở trong nước tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) vẫn được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, hoạt động bảo hiểm trong những tháng đầu năm 2023 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng. Thị trường chứng khoán cũng có những tín hiệu tích cực trở lại.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm . Cụ thể: Giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD; Giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát. Đến ngày 22/6/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.732, tăng 0,51% so với thời điểm cuối năm 2022.
Thị trường chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn
Liên quan đến thị trường chứng khoán (TTCK), theo Tổng cục Thống kê- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm duy trì sức hấp dẫn của TTCK với các nhà đầu tư và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn cho doanh nghiệp niêm yết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kịp thời đưa ra các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các biến động. Trong quý II/2023, TTCK đã có những khởi sắc nhất định.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28/06/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.138,45 điểm, tăng 5,9% so với cuối tháng trước và tăng 13,04% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15/06/2023) đạt 5.779 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
Trong tháng 6/2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.816 tỷ đồng/phiên, tăng 36,7% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.118 tỷ đồng/phiên, giảm 35,7% so với bình quân năm 2022.
Đến cuối tháng 5/2023, thị trường cổ phiếu có 745 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 869 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.993 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% với cuối năm 2022.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 6/2023 đạt 5.462 tỷ đồng/phiên, giảm 17,6% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.596 tỷ đồng/phiên, giảm 27,2% so với bình quân năm 2022.
Đến cuối tháng 5/2023, thị trường trái phiếu hiện có 451 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.897 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với bình quân năm 2022.
Tổng cục Thống kê cho biết, trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 6/2022 đạt 168.752 hợp đồng/phiên, tăng 7% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 243.037 hợp đồng/phiên, giảm 11% so với bình quân năm 2022.
Trong tháng 6/2023, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 16,97 triệu chứng quyền/phiên, tăng 44% so với tháng trước; giá trị giao dịch đạt 17,35 tỷ đồng/phiên, tăng 73%. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 16,02 triệu chứng quyền/phiên, giảm 51% so với bình quân năm trước và giá trị giao dịch đạt 9,78 tỷ đồng/phiên, giảm 54%.
Minh Ngọc