- Đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội; Công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố….
Sáng nay (6/7), với đa số đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố.
Theo nghị quyết được HĐND Thành phố thông qua, đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội; Công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú năm 2020; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện nghị quyết này.
Theo đó, quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội như sau: Đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; Đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu quy định tại Điều này là diện tích được tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
HĐND Thành phố giao UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động để điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển của thành phố Hà Nội.
Trước đó, trình bày tờ trình của UBND Thành phố, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố cho biết, mục đích xây dựng nghị quyết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú, tạo cơ sở pháp lý để UBND Thành phố chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự; trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ góp phần ổn định an ninh, trật tự và đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn.
Việc xây dựng nghị quyết dựa trên quy định hiện hành của pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Quán triệt nguyên tắc “Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội" theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
Quá trình thực hiện phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
Đ. Hoài