- Ngân hàng đầu tư khổng lồ Goldman Sachs của Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chứng kiến nhu cầu tăng cao kỷ lục, thâm hụt lớn và giá dầu thô cao hơn trong thời gian tới, do số lượng giàn khoan ở Mỹ thấp và sự không chắc chắn về nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn.
Phát biểu trên chương trình tin tức “Squawk Box Asia” của đài CNBC vào ngày hôm qua (24/7), người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của tập đoàn Goldman Sachs - ông Daan Struyven cho biết ngân hàng này dự đoán sẽ có sự “thiếu hụt khá lớn” trong nửa cuối năm nay do nhu cầu sẽ đạt “mức cao nhất mọi thời đại”.
Ngân hàng đầu tư dự báo rằng dầu thô Brent sẽ tăng từ mức hiện tại chỉ trên 80 USD/thùng lên 86 USD/thùng vào cuối năm nay, ông Daan Struyven nói thêm.
Theo chuyên gia Struyven, mặc dù sản lượng dầu thô của Mỹ tăng đáng kể trong năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2023 do số lượng giàn khoan sụt giảm.
Tuần trước đã có báo cáo rằng số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022.
Theo ông Struyven, việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên G20 không đạt được sự đồng thuận về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tuần trước ở Ấn Độ cho thấy sự bất ổn “rất lớn” về nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi cuối tuần vừa rồi cho biết, họ dự kiến thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm nay. Trong báo cáo mới nhất của mình, cơ quan này đã thu hẹp dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết các dự báo có thể được điều chỉnh theo hướng tăng lên dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Giá dầu tăng trong hầu hết năm 2022 một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, một nhà sản xuất dầu lớn của thế giới. Tuy nhiên, đến cuối năm, giá giảm đáng kể, một phần do mùa đông ôn hòa ở châu Âu và sự suy giảm hoạt động kinh tế trên toàn cầu.
OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, vào tháng 10 đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 2% so với nhu cầu thế giới, từ tháng 11 cho đến hết năm 2023. Nhóm này sau đó đã đồng ý cắt giảm thêm trong nỗ lực cân bằng giá cả.
Hợp đồng tương lai dầu Brent đạt 82 USD/ thùng vào ngày hôm qua (24/7), trong khi hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ được giao dịch ở mức trên 78 USD/thùng.