- Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg đã đưa ra lập luận cho rằng Liên minh châu Âu (EU) phải tìm ra được một trường hợp pháp lý 'kín kẽ' nếu muốn tịch thu tài sản của Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg |
Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg vừa lên tiếng cảnh báo rằng EU cần phải đảm bảo có cơ sở pháp lý rõ ràng nếu quyết định tịch thu tài sản phong tỏa của Nga và giao cho Ukraine. Nhà ngoại giao của Áo lập luận rằng, nếu không có cơ sở pháp lý, việc tịch thu tài sản của Nga sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của khối.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ORF của Áo được công bố vào cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Schallenberg nhấn mạnh rằng bất kỳ việc tịch thu tài sản nào của Nga kiểu như nói ở trên đều phải được thực hiện một cách “kín kẽ” từ quan điểm pháp lý.
Ông Schallenberg tuyên bố rằng Áo và các thành viên EU khác “là những quốc gia có pháp quyền” và họ phải áp dụng cách tiếp cận đó trong quan hệ quốc tế. Theo ông Schallenberg, đây là một trong những khác biệt cơ bản giữa các quốc gia Tây Âu và Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Áo lưu ý: “Việc sung công tài sản là một hành động can thiệp lớn, theo luật”. “Nếu chúng ta làm điều này… với tư cách là các quốc gia có pháp quyền, chúng ta phải đưa ra các quyết định có tính pháp lý,” ông Schallenberg nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ bước đi nào như vậy đều có thể bị thách thức tại Tòa án Công lý châu Âu ở Luxembourg.
Vị quan chức ngoại giao cấp cao của Áo kết luận rằng nếu việc chiếm đoạt tài sản của Nga không được coi là có cơ sở pháp lý, thì đây sẽ là một “thất bại to lớn và về cơ bản là một sự đáng xấu hổ” đối với EU.
Về quan hệ với Moscow nói chung, Bộ trưởng Ngoại giao Áo nói rằng vị trí địa lý cho thấy Nga sẽ vẫn là một phần của lịch sử châu Âu và việc cố gắng 'hủy bỏ' nước này là sai lầm. Ông Schallenberg kêu gọi giữ nguyên các kênh liên lạc và tuyên bố rằng các chính sách của EU đối với Nga không nên bị dẫn dắt, điều khiển bởi cảm xúc.
Tờ Bloomberg hồi tháng trước đưa tin rằng các nhà lãnh đạo EU đã cân nhắc, xem xét kế hoạch đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đối với lợi nhuận được tạo ra bởi hơn 200 tỷ euro (217 tỷ USD) tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Mặc dù lựa chọn này được cho là ít có vấn đề nhất, nhưng một số người tham gia vẫn lo ngại về tính hợp pháp của nó, tờ Bloomberg cho hay.
Vào giữa tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lên tiếng phản đối đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax), cảnh báo rằng nó có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng euro với tư cách là một loại tiền tệ toàn cầu và làm tổn hại đến sự ổn định tài chính.
Trở lại vào tháng Tư, Ủy ban châu Âu đã ra phán quyết rằng các quốc gia thành viên không thể tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga ngay lập tức. EU và các đồng minh đã đóng băng hàng trăm tỷ euro tài sản của ngân hàng trung ương Nga cũng như tài sản tư nhân ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các quan chức Nga đã nhiều lần mô tả bất kỳ hành vi tịch thu tài sản nào của nước này là hành vi trộm cắp bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Trước Áo, Đức cũng từng lên tiếng phản đối kế hoạch của EU trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để tái thiết đất nước Ukraine, đồng thời cảnh báo về những rủi ro pháp lý và tài chính phát sinh từ động thái đó.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã nói rằng, Moscow “sẽ phải trả giá cho những thiệt hại mà nước này đã gây ra ở Ukraine” và nhấn mạnh rằng Đức đang làm “mọi thứ có thể một cách hợp pháp” để xác định và phong tỏa tài sản của các cá nhân Nga và công ty Nga bị trừng phạt. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý rằng ý tưởng sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga để tái thiết đất nước Ukraine đã đặt ra “những câu hỏi phức tạp về mặt tài chính và pháp lý”.