- Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành Y tế. Việc ban hành chương trình hành động với những nội dung được cụ thể hóa sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và dược phẩm…
Với chủ đề “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành Y dược”, Hội thảo Hội thảo Y dược do Báo Đầu tư tổ chức hướng tới mục tiêu tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi, tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành, cũng như kết nối cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa diễn ra sáng 20/7 tại Hà Nội.
Khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tham gia thảo luận về các phương thức tiếp cận mới và động lực tăng trưởng mới trong phát triển ngành Y dược nói chung và lĩnh vực công nghệ sinh học, dược phẩm nói riêng.
Ngành Y dược Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành y đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ngành y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới.
Trong hành trình phát triển ấy, sự đồng hành cộng đồng doanh nghiệp y dược trong và ngoài nước thông qua các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ đã góp phần vào sự phát triển của ngành. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Y tế vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, như sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lấy nhiễm, quá tải bệnh viện, già hóa dân số, chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền và các tuyến y tế…. Điều này đòi hỏi sự đổi mới, cũng như tăng cường hợp tác từ các bên liên quan để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ,... Do đó, cần những cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tuy nhiên cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo |
Hai kỳ vọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn đó là phát triển ngành dược theo hướng phát triển sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược và thuốc phát minh. Cùng với đó là nhận được chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất dược. “Do vậy, trong buổi hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn các quý vị cùng các cơ quan chính phủ, và cơ quan Quốc hội để cùng nhau đóng góp các ý kiến thiết thực, hiệu quả để có thể khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài để có thể hiện thực hóa những mục tiêu trên”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho hay, gần đây, Bộ KH&ĐT đã tiếp cận một số tập đoàn dược lớn ở Việt Nam và thấy rằng họ đang có mong muốn để phát triển một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành dược và hiện nay một số tập đoàn đang manh nha có các ý tưởng đầu tư dự án tương tự. “Chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng rất tốt, nếu chúng ta hình thành được các cụm, khu công nghiệp tập trung sản xuất dược phẩm thì đây sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam và tiến tới đưa Việt Nam trở thành hub của khu vực về sản xuất dược phẩm. Trên tinh thần đó, Bộ KH&ĐT mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp về tính khả thi của các dự án này và kiến nghị những cơ chế, chính sách để hiện thực hóa ý tưởng này” - Thứ trưởng phát biểu.
Với tinh thần đó, tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã phân tích về thực trạng phát triển của ngành Y dược, trao đổi những phương pháp tiếp cận mới và động lực mới trong phát triển ngành, cũng như bài học kinh nghiệm từ các nước. Đặc biệt, vai trò của Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và ngành dược phẩm đã được các diễn giả phân tích.
Phiên tọa đàm với các chuyên gia tại Hội thảo |
Để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, chìa khóa để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn.
Theo ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, ngành Dược phẩm có đặc trưng rất lớn đó là có tính độc quyền tự nhiên vì chi phí đầu tư rất lớn, hàm lượng tri thức rất cao. Để gia nhập ngành, có nhiều cái khó đối với các nước đang phát triển, kể cả những quốc gia đã phát triển, khi mong muốn có thể tạo ra những sản phẩm mang tính toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng có những lợi thế. Việt Nam có quy mô thị trường rất lớn với hơn 100 triệu dân. Chi tiêu hiện nay cho lĩnh vực dược phẩm vào khoảng 7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 11%/năm, đến năm 2026, Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 16,1 tỷ USD. Quy mô thị trường tăng rất nhanh là một trong những yếu tố khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài dành sự quan tâm cho thị trường dược phẩm.
Cùng với đó, thời gian vừa qua, năng lực của các doanh nghiệp trong nước cho thấy đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trong giai đoạn 2001 - 2011, số lượng thuốc được sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 17%, thì đến thời điểm này, đã chiếm tới 46%. Tốc độ này đã chứng tỏ năng lực của các doanh nghiệp trong nước có thể nắm bắt và khai thác được những cơ hội phát triển.
Ông Nguyễn Tú Anh-Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban KTTW chía ẻ thông tin |
Một yếu tố được đánh giá cao đó là nước ta có nguồn dược liệu phong phú. Thuận lợi nữa đó là Việt Nam là thị trường mở, được các nhà đầu tư đánh giá có thể trở thành một địa chỉ sản xuất dược phẩm. Bài học thành công của ngành điện tử là một ví dụ. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng ngành dược phẩm cần phải đầu tư lớn và cần phải kiên trì. Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, khó có thể trong một thời gian ngắn chúng ta có thể vươn lên thành Thánh Gióng ngay được mà sẽ cần phải có một quá trình phát triển.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, EuroCham cũng cho hay, ngành Y tế là một trong những ngành xương sống cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia. Một quốc gia khỏe mạnh là một quốc gia vững mạnh. Chính vì vậy, trách nhiệm phát triển ngành y tế, y dược không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế mà cần sự chung tay từ tất cả các bên. Theo kinh nghiệm thế giới, việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, kế hoạch hành động và các chính sách ưu đãi cũng như triển khai thực hiện luôn có sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ ban ngành liên quan và hợp tác công-tư với chính phủ nắm giữ vai trò điều phối để đảm bảo mục tiêu đề ra. Trong những năm qua, Pharma Group vinh dự là một đối tác tin cậy đồng hành cùng quá trình tham mưu, xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển ngành.
Theo Chủ tịch Pharma Group, các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam có rất nhiều lợi thế từ việc rút ra bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, cùng với sự tiến triển vượt bậc của khoa học - công nghệ hiện nay, nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống y tế và ngành y dược bền vững. Để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, chìa khóa để hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn.
“Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm của ngành dược phẩm phát minh, chúng tôi đề xuất chương trình thực hiện Nghị quyết cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Đồng thời, việc phát triển ngành phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới” - ông Emin Turan nói.
Phạm Lê