- Nợ ngắn hạn tăng mạnh trong năm 2022 khiến BCG Energy rơi vào tình trạng khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn. Thế nhưng, thành viên của Bamboo Capital vẫn mang ngàn tỷ đồng cho vay.
Ảnh minh họa |
Khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn
Công ty cổ phần BCG Energy (BCG Energy) là một trong những thành viên quan trọng của của Bamboo Capital (BCG).
BCG Energy được thành lập vào năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giữ vai trò là trụ cột chính trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của BCG. BCG Energy tập trung vào phát triển và vận hành các dự án cánh đồng năng lượng mặt trời và điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.
Mục tiêu của BCG Energy là đạt công suất 2GW vào năm 2023, cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng các dự án năng lượng mặt trời và điện gió.
Trong năm 2022, BCG Energy mạnh tay tăng vốn, giảm nợ nên tổng tài sản tăng khá mạnh. Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản (tổng nguồn vốn) của BCG Energy đạt 9.021 tỷ đồng, tăng 1.565 tỷ đồng, tương đương 21% so với cuối năm 2021. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng 2.262 tỷ đồng, tương đương 104% lên 4.439 tỷ đồng. Có được điều này là do vốn góp chủ sở hữu tăng từ 2.175 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả giảm nhẹ, giảm 697 tỷ đồng, tương đương 13,2% xuống 4.582 tỷ đồng và chỉ còn chiếm 50,8% tổng nguồn vốn, so với con số 70,8% hồi cuối năm 2021.
Vốn tăng, nợ giảm mang lại cảm giác bức tranh tài chính của BCG Energy cân bằng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng trả nợ của BCG Energy lại đi lùi khi nợ ngắn hạn bất ngờ tăng vọt.
Hồi cuối năm 2022, nợ ngắn hạn tại BCG Energy bất ngờ tăng 1.298 tỷ đồng, tương đương 764% lên 1.581 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của công ty dù tăng mạnh nhưng cũng chỉ đạt 805 tỷ đồng.
Điều đó khiến Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) của công ty chỉ là 0,51. Theo lý thuyết, hệ số này < 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.
Vẫn mang ngàn tỷ cho vay
Như đã nêu trên, trong năm 2022, nợ ngắn hạn tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến BCG Energy rơi vào tình trạng khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, chỉ tiêu lớn nhất là Người mua trả tiền trước ngắn hạn (tăng từ 60 tỷ đồng lên 745 tỷ đồng); đứng sau là Phải trả người bán ngắn hạn (tăng từ 28 tỷ đồng lên 299 tỷ đồng).
Có giá trị thấp hơn nhưng chỉ tiêu Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại có tác động rất lớn vì đây là khoản nợ phải trả lãi. Chỉ tiêu này tăng từ 0 đồng lên 108 tỷ đồng. Ngoài ra, BCG Energy còn “gánh” thêm 2.614 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Cùng với đó, BCG Energy còn ghi nhận lượng tiền mặt khá thấp. Hồi cuối năm 2022, Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là 29,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 27,8 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Chỉ tiêu này chỉ chiếm 0,32% tổng tài sản.
Trong bối cảnh đó, BCG Energy vẫn mang ngàn tỷ đồng đi cho vay.
Tại ngày 31/12/2022, BCG Energy ghi nhận 594 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn, tăng mạnh so với 111 tỷ đồng hồi cuối năm 2021 và 455 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn.
Như vậy, tổng số phải thu về cho vay của BCG Energy đạt tới 1.049 tỷ đồng.
BCG Energy không công bố danh sách các đối tác của mình nhưng không loại trừ đó là những khoản vay có lãi rất cao, góp phần giúp BCG Energy thoát lỗ trong năm 2022.
Cụ thể, năm 2022, BCG Energy ghi nhận doanh thu giảm sâu, từ 154 tỷ đồng xuống chỉ còn 67,4 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng từ 6,6 tỷ đồng lên 58,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu hoạt động tài chính lên tới 523 tỷ đồng, tăng 262 tỷ đồng, tương đương 100% so với năm 2021.
Trong cơ cấu doanh thu hoạt động tài chính, lãi tiền gửi và tiền cho vay lớn nhất, lên đến 379 tỷ đồng. Cần phải nhấn mạnh, hồi cuối năm 2022, đầu tư tài chính ngắn hạn (trong đó bao gồm tiền gửi ngân hàng) chỉ là 592 triệu đồng. Có thể thấy, đa số lãi suất đều đến từ hoạt động cho vay.