- Theo dự báo của Goldman Sachs Research, nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà vượt qua Mỹ và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc trong vài thập kỷ tới.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đưa ra một báo cáo vào tuần trước rằng Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Mỹ để lên vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, khi quốc gia châu Á này dự kiến đạt tổng sản phẩm quốc nội 52,5 nghìn tỷ USD, cao hơn 1 nghìn tỷ USD so với mức GDP của Mỹ dự kiến đạt được được tại thời điểm đó.
Theo dữ liệu, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng những năm 2030 và quốc gia này sẽ có GDP là 57 nghìn tỷ USD vào năm 2075.
Ông Santanu Sengupta - chuyên gia kinh tế Ấn Độ của Goldman Sachs Research, cho biết trong báo cáo rằng dân số của quốc gia này - gần đây đã trở thành dân số lớn nhất thế giới với 1,4 tỷ người - tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng vì quốc gia này có một trong những tỷ lệ tốt nhất giữa dân số trong độ tuổi lao động so với dân số trong độ tuổi không làm việc hoặc dân số phụ thuộc như trẻ em và người già.
"Trong hai thập kỷ tới, tỷ lệ dân số phụ thuộc của Ấn Độ sẽ là một trong những tỉ lệ thấp nhất trong khu vực", ông Sengupta nói. "Vì vậy, đó thực sự là cơ hội để Ấn Độ đạt được mục tiêu thiết lập năng lực sản xuất, tiếp tục phát triển dịch vụ, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng."
Báo cáo cho hay, ngoài lợi thế về nhân khẩu học, đầu tư vốn cũng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng quan trọng của Ấn Độ. Báo cáo nêu rõ: "Tỷ lệ tiết kiệm của Ấn Độ có thể sẽ tăng lên cùng với tỷ lệ phụ thuộc giảm, thu nhập tăng và sự phát triển sâu hơn của khu vực tài chính, điều này có khả năng tạo ra nguồn vốn sẵn có để thúc đẩy đầu tư hơn nữa."
Các nhà nghiên cứu của Goldman Sachs đã lưu ý rằng có một số rủi ro có thể cản trở Ấn Độ đạt được dự báo tăng trưởng. Tiềm năng tăng trưởng của đất nước có thể bị tổn hại nếu không tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, vốn đã giảm trong 15 năm qua và đặc biệt thấp đối với phụ nữ.
Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với GDP là 3,73 nghìn tỷ USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đức đứng ở vị trí thứ 4 với 4,3 nghìn tỷ USD. Đứng ở vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện tại là Nhật Bản với 4,4 nghìn tỷ USD, số 2 là Trung Quốc với 19,37 nghìn tỷ USD và số 1 là Mỹ với 26,85 nghìn tỷ USD.