- Sau khi ngành giáo dục thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, công ty phát hành bộ sách giáo khoa Cánh Diều, VEPIC đạt lợi nhuận lớn.
Xã hội hóa sách giáo khoa là một trong những chủ trương được quan tâm của ngành giáo dục. Động thái này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân đồng thời xóa bỏ độc quyền trong in ấn.
Một trong những bộ sách nổi bật nhất sau xã hội hóa sách giáo khoa là Cánh Diều của Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC). Thế nhưng, bộ sách này nổi bật vì những sai sót lớn về nội dung khiến nhiều phụ huynh phản ánh. Thậm chí, việc sai sót của Cánh diều còn được đưa ra trao đổi trong một số phiên họp Quốc hội.
Trả lời báo chí, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh Diều không đạt, nếu tiếp tục giảng dạy sẽ có hại cho học sinh. Ông cũng khẳng định với những lỗi như vậy, cuốn sách này không thể chỉnh sửa được và cần phải thu hồi.
Lợi nhuận lớn
VEPIC khởi nghiệp với số vốn gần 35 tỷ đồng. Thế nhưng, doanh thu hàng năm của thời gian đầu hoạt động khá khiêm tốn, chỉ khoảng 4 tỷ tới hơn 5 tỷ đồng. Công ty liên tục gánh thua lỗ. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của VEPIC tăng đột biến trong năm 2020 và 2021, thời điểm sau khi bộ Cánh Diều được phát hành.
![]() |
Cụ thể, năm 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VEPIC đạt khoảng 188 tỷ đồng, tăng tăng gần 184 tỷ đồng, tương ứng 4.485% so với năm 2019. Thay vì thua lỗ, VEPIC đã có lãi 22,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) của công ty lên tới 12%.
Tới năm 2021, doanh thu công ty tăng 129 tỷ đồng, tương đương 68,6% so với năm 2020 lên 343 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty thu được lợi nhuận 29,6 tỷ đồng. ROS giảm nhẹ nhưng vẫn đạt tới 8,6%.
Bước sang năm 2022, VEPIC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt tới 616 tỷ đồng, tăng 273 tỷ đồng, tương đương 79,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 16,4 tỷ đồng, tương đương 55,4% lên 46 tỷ đồng. ROS năm 2022 của VEPIC đạt 7,5%.
Trong khi đó, tỷ lệ ROS tại nhiều doanh nghiệp trong ngành giáo dục thấp hơn khá nhiều so với tại VEPIC.
Ví dụ, tại Công ty cổ phần Sách Giáo dục T.P Hồ Chí Minh (SGD), ROS năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 2,5%, 1,6% và 0,66%; tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Bình Định (BDB), các con số lần lượt là 2,3%, 2,4% và 1,9%,…
![]() |
Hé lộ giới chủ phía sau “Cánh diều”
Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) thành lập ngày 27/7/2016 tại Tầng 5 Tòa nhà hỗn hợp AZ Lâm Viên, 107 đường Nguyễn Phong Sắc, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Công ty có người đại diện kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Ngô Trần Ái.
Tại ngày 27/7/2016, VEPIC có vốn điều lệ 34,56 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập của VEPIC bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam – SED (góp 12 tỷ đồng, tương đương 34,722% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội - EID (góp 12 tỷ đồng, tương đương 34,722% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Đà Nẵng - DAD (góp 6 tỷ đồng, tương đương 17,361% vốn), ông Vũ Gia Hưng (góp 100 triệu đồng, tương đương 0,289% vốn), ông Dương Xuân Mộc (góp 200 triệu đồng, tương đương 0,579% vốn), ông Phạm Thanh Nam (góp 3 tỷ đồng, tương đương 8,681% vốn), ông Nguyễn Mạnh Hùng (góp 200 triệu đồng, tương đương 0,579% vốn) và ông Lê Thành Anh (góp 1,06 tỷ đồng, tương đương 3,067% vốn). Thời điểm mới thành lập, ông Lê Thành Anh là Chủ tịch HĐQT Công ty VEPIC.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, tới ngày 18/11/2016, một số cổ đông hoặc giảm tỷ lệ sở hữu hoặc thoái vốn.
Danh sách các cổ đông mới không được tiết lộ. Tuy nhiên, sau khi các cổ đông sáng lập thoái bớt vốn, thậm chí có đơn vị thoái toàn bộ vốn, ông Ngô Trần Ái xuất hiện thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty của ông Lê Thành Anh.