Vì sao lạm phát của Trung Quốc lại ở mức thấp?

0
0

Khi gần như cả thế giới phải tìm cách ghìm giá cả đang tăng vọt, Trung Quốc lại đối mặt với tình hình ngược lại. Dữ liệu kinh tế tháng 5 vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, giá xuất xưởng tại các nhà máy của nước này trong tháng 5 giảm so với cùng kỳ năm ngoái với tốc độ mạnh nhất trong 7 năm, trong khi CPI hầu như không thay đổi.

Quý 1/2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng nhờ vào việc các biện pháp kiểm soát Covid-19 được gỡ bỏ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế không ổn định. Gần đây, những số liệu được công bố cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng tại Trung Quốc đã “bão hòa”, thương mại sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong tháng 5 cũng ở mức kỷ lục là 20,8%.

Những tín hiệu kinh tế không như kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu không mấy lạc quan trong tháng 5. Xuất khẩu giảm lần đầu tiên sau 3 tháng, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2%, mặc dù đã tăng hơn mức 0,1% của tháng 4, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% mà chính phủ đề ra. Trong khi đó, hơn 1/5 lao động trẻ ở Trung Quốc đang trong tình trạng thất nghiệp.

Xưởng sản xuất của một doanh nghiệp ô tô ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Xưởng sản xuất của một doanh nghiệp ô tô ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Nguyên nhân gây nên thực trạng trên chủ yếu thể hiện qua việc người dân có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn, giảm đầu tư và giảm vay mượn để tiêu dùng. Trong khi đối với nền kinh tế hiện đại, muốn tăng cung tiền hay vòng quay của nền kinh tế nhanh thì cần tăng tiêu dùng. Chỉ số tiêu dùng giảm còn gây hệ luỵ là doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm, người lao động bị giảm lương và thất nghiệp tăng.

Các số liệu tại Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ những người trẻ thất nghiệp tăng vọt những tháng qua, tháng 1/2023 con số này là khoảng 17,3%, đến nay đã tăng lên 20,8%.

Trong khi đó, quý I/2023, tiết kiệm hộ gia đình ở Trung Quốc tăng 9.900 tỷ nhân dân tệ, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục là 17.840 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.600 tỉ USD) trong năm 2022, tăng 80% so với năm 2021. Con số này đã chiếm hơn 1/3 tổng thu nhập của các hộ gia đình, trong khi trước đại dịch Covid-19, họ chỉ tiết kiệm khoảng 1/5 số thu nhập. Tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc đã tương đương tổng GDP của 8/10 nước thành viên ASEAN trong năm 2021. Con số này tuy đã giảm trong tháng 4/2023, song lại tăng trở lại trong tháng 5, phần nào cho thấy người dân vẫn chưa sẵn sàng mở hầu bao để chi tiêu.

Ngoài ra, sau một thời gian dài phong tỏa vì Covid-19, người dân Trung Quốc đang gặp khó khăn về tài chính và phải cắt giảm chi tiêu khá nhiều. Điều này thể hiện qua các chỉ số như nợ ít hơn, niềm tin của người tiêu dùng giảm, dẫn đến các nhà máy trong nước phải giảm giá hàng hóa do nhu cầu yếu.

Tất cả các tác động trên đã dẫn đến tổng cầu của Trung Quốc giảm, gây ra các biểu hiện giảm phát.

Cắt giảm lãi suất thúc đẩy phục hồi kinh tế

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành ba đợt hạ lãi suất chính sách cho các kỳ hạn, gửi đi tín hiệu về nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế. Các quyết định cắt giảm lãi suất này được đánh giá là sẽ giúp giảm lãi suất cho vay thực tế một cách hiệu quả, giảm chi phí tài chính, kích thích nhu cầu tín dụng và củng cố đà tăng của lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư, trong khi đây là 2 trong 3 cấu phần của “cỗ xe tam mã” trong nền kinh tế nước này, bên cạnh xuất khẩu.

Hôm 15/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 10 điểm cơ bản xuống 2,65%. Đây là lãi suất cho các khoản vay 1 năm của các tổ chức tài chính. Hiện nay, hầu hết các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm của PBOC, trong khi các khoản thế chấp được chốt theo lãi suất 5 năm. Do đó, dù quy mô cắt giảm chỉ là 10 điểm cơ bản, điều này vẫn có một số ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

Thông qua các chính sách nới lỏng tiền tệ này, Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy đà tăng trưởng sau khi sự phục hồi kinh tế được kỳ vọng sau 3 năm phong tỏa chống dịch đã dần “mất đà”.

Có thể thấy, trước thực trạng trên, tiếp tục tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ, tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, tăng chi tiêu công và giảm thuế doanh thu đang là một số giải pháp để Trung Quốc hạn chế tình trạng giảm phát. Cụ thể hơn, những biện pháp cần thiết tiếp theo có thể bao gồm tiếp tục cắt giảm lãi suất, làm suy yếu tỉ giá đồng nhân dân tệ, hoặc hỗ trợ tiền mặt và triển khai các khuyến khích chi tiêu đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Trung Quốc đang cân nhắc các chính sách giúp nền kinh tế phục hồi bền vững

Chỉ một ngày sau khi Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản lần đầu tiên trong vòng 10 tháng, hôm 21/6, tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ trên thị trường nước ngoài so với đồng đô la Mỹ lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. Đây là tỷ giá có thể phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế đối với đồng tiền này. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ đã giảm lần lượt gần 3,5% và 4% trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo các nhà kinh tế học quốc tế, dữ liệu đầu tư yếu có thể khiến các nhà chức trách không chỉ dừng ở việc nới lỏng tiền tệ, mà còn tiếp tục công bố các biện pháp nới lỏng “từng phần” cho lĩnh vực bất động sản, như có thể nới lỏng hơn nữa các hạn chế mua nhà, chính sách quyết liệt hơn để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hôi, hay hỗ trợ điều kiện tài chính cho các công ty phát triển bất động sản.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Lý Cường chủ trì hôm 16/6, chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ thực thi các biện pháp mạnh mẽ hơn một cách kịp thời để “tăng cường động lực phát triển kinh tế, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế”.

Theo chuyên gia nước này, nhiều địa phương Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh việc phát hành phiếu mua hàng và trợ cấp tiêu dùng để nâng cao khả năng tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, về điều chỉnh vĩ mô, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán CITIC (CITIC Securities) cho rằng, nước này vẫn có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong thời gian còn lại của năm nay.

Sáu tháng cuối năm sẽ là giai đoạn then chốt trong việc vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nếu chính phủ can thiệp kịp thời và đúng hướng, việc giảm phát xuất hiện tại Trung Quốc có thể sẽ chỉ là xu hướng tạm thời, ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sự phục hồi kinh tế của nước này.

Theo VOV

https://vov.vn/kinh-te/vi-sao-lam-phat-cua-trung-quoc-lai-o-muc-thap-post1028170.vov


Ý kiến bạn đọc


Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản có liên quan, hoàn thành trong tháng 5/2024.

Tính năng Quick Assist của Microsoft bị lạm dụng trong các cuộc tấn công ransomware

(VnMedia) - Nhóm Tình báo mối đe dọa của Microsoft cho biết đã phát hiện một tác nhân đe dọa, được theo dõi dưới tên Storm-1811, đang lạm dụng công cụ quản lý khách hàng Quick Assist để nhắm mục tiêu vào người dùng trong các cuộc tấn công kỹ thuật xã hội (social engineering).

Nhà đầu tư đua nhau mua vào, giá vàng bật tăng mạnh mẽ

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (18/5 - theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh mẽ sau phiên giảm trước đó. Trong khi đó, cuối phiên giao dịch hôm qua, 17/5, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn duy trì ở mức 90 triệu đồng/lượng.

Nhanh chóng và nhiều tiện lợi, thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi

(VnMedia) - Nghiên cứu từ Visa cho thấy, những xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời mở ra bước tiến quan trọng hứa hẹn sẽ mang tới sự chuyển đổi đáng kể cho bối cảnh thanh toán - tài chính trong thời gian tới đây.

Các vụ tấn công mạng phơi bày sự yếu kém của hệ thống y tế Mỹ

(VnMedia) - Hai cuộc tấn công bằng ransomware gần đây đã làm tê liệt hệ thống máy tính của hai bệnh viện chăm sóc sức khỏe lớn của Mỹ, gián đoạn quá trình chăm sóc bệnh nhân và bộc lộ những điểm yếu cơ bản trong “hàng rào” bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe trước tin tặc.