Vì sao doanh nghiệp đói vốn trong khi hơn 1 triệu tỷ đồng đang gửi NHNN lãi suất 0,8%/năm?

0
0

 - Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình về hơn 1 triệu tỷ đồng ngân sách nhà nước đang gửi Ngân hàng Nhà nước với lãi suất chỉ 0,8%/năm trong khi nhà nước vẫn phải đi vay, còn doanh nghiệp thì đói vốn?

“Với hơn 1,5 triệu tỷ, trong đó có 1 triệu tỷ đang ở trong ngân hàng cùng với gần 500.000 tỷ chưa phân bổ thì sự lãng phí là bao nhiêu?” - ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) đặt câu hỏi và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải thích lý do.

Tham gia thảo luận vào nội dung liên quan đến báo cáo về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn còn tình trạng lãng phí trong việc phân bổ vốn đầu tư công và chậm giải ngân vốn đầu tư công.”

ĐB dẫn chứng: Thứ nhất, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã hết sức quyết liệt, điều hành bằng nhiều chỉ thị, nhiều tổ công tác, tuy nhiên, số liệu cho thấy tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 Quốc hội quyết định 2.800.000 tỷ cho đến nay mới phân bổ được 2.400.000 tỷ, vẫn còn gần 500.000 tỷ chưa phân bổ. Hai là, vốn cho chương trình mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có 176.000 tỷ thì hiện nay vẫn còn 14.000 tỷ chưa phân bổ; 161.000 tỷ chưa biết tình hình giải ngân đến bây giờ thế nào.

“Cử tri đặt câu hỏi là với hơn 1,5 triệu tỷ, trong đó có 1 triệu tỷ đang ở trong ngân hàng cùng với gần 500.000 tỷ chưa phân bổ thì sự lãng phí là bao nhiêu, nếu như chúng ta không thực hiện quyết liệt từ nay đến cuối 2023 cũng như là kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2021- 2025” - ĐB Trần Văn Khải nhấn mạnh.

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam)
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam)

Đại biểu tỉnh Hà Nam cũng nêu rõ việc lãng phí trong cải cách hành chính. ĐB Trần Văn Khải dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tại cuộc họp Thường vụ gần đây, đó là, qua kiểm tra cho thấy các địa phương, các bộ, ngành đã để phát sinh hàng ngàn các thủ tục mới.

“Ví dụ, VCCI cũng đã báo cáo có tới 20% các địa phương trong thời gian năm 2022  không làm gì. Đây cũng là một số liệu chúng ta cần tham khảo. Tuy nhiên, có một hiện tượng qua báo cáo của Bộ KH&ĐT, riêng TP.HCM năm 2022 có đến 584 văn bản hỏi Bộ KH&ĐT. Bộ KH&ĐT thì có đến 604 văn bản trả lời TP,HCM. Câu hỏi đặt ra là nếu 63 tỉnh, thành tổng hợp lại thì có bao nhiêu nghìn văn bản hỏi Bộ KH&ĐT, hỏi các bộ, ngành và bao nhiêu nghìn văn bản các bộ, ngành phải trả lời cho các địa phương. Điều này tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh, đầu tư của chúng ta.”- ĐB Trần Văn Khải dẫn chứng.

Về giải pháp, ĐB Trần Văn Khải cho rằng, “phải rất công tâm, khách quan” trong việc đánh giá chuyện các địa phương hỏi các bộ, ngành và các bộ, ngành trả lời các địa phương. “Muốn khách quan thì đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các Ủy ban khác thành lập 1 đoàn giám sát chuyên đề giám sát việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với toàn bộ cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước. Chúng ta sẽ kiểm tra xem trong 584 văn bản đấy thì có bao nhiêu nội dung của các văn bản là do tình trạng cán bộ tham mưu muốn đẩy việc lên cấp trên và có bao nhiêu văn bản là do vướng các quy định của pháp luật mà chúng ta phải tổng hợp lại để nhanh chóng sửa. Như vậy thì chúng ta sẽ đi đến tận gốc vấn đề” - ĐB Trần Văn Khải đóng góp ý kiến.

Ông cũng đề nghị nhanh chóng khắc phục thể chế để cá nhân hóa trách nhiệm đến từng cấp lãnh đạo, từng cán bộ để thay đổi môi trường đầu tư hiện nay, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức; để có những cơ chế khuyến khích… “Và phải chứng minh rằng cán bộ của chúng ta cũng không hẳn là đẩy việc lên cấp trên mà có tình trạng những quy định của pháp luật chưa rõ” - ĐB Trần Văn Khải nêu rõ.

Cũng trong bài phát biểu của mình, vị Đại biểu tỉnh Hà Nam “kêu gọi tất cả các công chức trên toàn bộ hệ thống chính trị và đất nước hãy tập trung thay đổi và có sự khát khao đối với ngành mình, bộ mình, địa phương mình để chúng ta có thể cùng với đất nước vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay".

Tiền đi vay sao lại mang gửi ngân hàng 0,8%/năm?

Cũng băn khoăn về số tiền ngân sách tồn dư gửi ngân hàng và các kho bạc nhà nước, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nói: “Có lẽ nhiều người không hiểu được lý do tại sao. Đồng tiền phải quay vòng, tôi nghĩ càng quay vòng nhiều càng tốt. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể đã giải thích thêm để cho đại biểu chúng tôi không băn khoăn". Theo ĐB Nguyễn Văn Thân, doanh nghiệp đang thiếu tiền, các đầu tư công đang thiếu tiền, trong khi đó tồn dư lại để ở trong ngân hàng, trong kho bạc và gửi với 0,8%/năm trong khi vẫn phải đi vay.

“Băn khoăn này có thể chúng tôi chưa hiểu, đề nghị đồng chí giải thích để chúng tôi yên tâm là nguồn này không thể hay có thể, nếu không thể thì phải tìm cách cho nó có thể để dùng đồng tiền này, không thể chúng ta cứ bằng chuyên môn thuần túy để giữ tiền này là không được. Ý chí của chúng tôi nghĩ là phải dùng nguồn này để làm việc gì thì trên cơ sở cân đối của Chính phủ, không thể để nguồn này gửi vào Kho bạc nhà nước và gửi ngân hàng với lãi suất 0,8% được” - ĐB Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình

Giải trình trước các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được HĐND tỉnh và Quốc hội phê chuẩn, cho nên không thể lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác.

“Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán. Chúng ta muốn thay đổi cơ cấu chi này phải trình lại với Quốc hội. Đây là nguồn tạm thời nhàn rỗi do đầu tư công chưa giải ngân được nên nằm đấy, do vốn chương trình mục tiêu chưa giải ngân được nằm đấy, tích lũy quỹ tiền lương vẫn nằm ở đây” - Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình và cho hay, khoảng trên 90% tồn dư tại ngân sách của địa phương.

Với câu hỏi tại sao không gửi vào ngân hàng thương mại mà gửi vào Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng cho biết đó là để đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. “Vì vậy, theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng tôi tập trung gửi vào ngân sách chỉ có 130.000 tỷ, khoảng hơn 10% gửi các ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước, không gửi sang các ngân hàng khác vì tránh vấn đề rủi ro và gửi ngắn hạn” - Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo các đại biểu.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.