Tổng thống Biden đã ký ban hành "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023" đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về thỏa thuận trần nợ công vừa đạt được với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, tại Washington DC., ngày 28/5. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/6 đã ký ban hành luật về trần nợ công sau nhiều tuần tranh cãi, nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc.
Cụ thể, Tổng thống Biden đã ký ban hành "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023" đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó tránh được tình trạng vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.
Trước đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trong tuần này sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024.
Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025.
Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Trước đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 2/6 đã giữ nguyên xếp hạng "AAA" của Mỹ ở diện theo dõi tiêu cực, dù thỏa thuận về trần nợ công được phê chuẩn.
Fitch thừa nhận việc đạt được thỏa thuận là một diễn biến tích cực, trong khi thâm hụt ngân sách giảm ở mức khiêm tốn trong hai năm tới.
Tuy nhiên, Fitch cho rằng những bất đồng liên tục về trần nợ và việc đình chỉ áp dụng trần nợ vào phút chót, khi Bộ Tài chính Mỹ tiến gần đến kịch bản mất khả năng thực hiện tất cả các nghĩa vụ tài chính đã làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị về các vấn đề tài khóa và nợ của Mỹ./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-my-ky-ban-hanh-luat-ve-tran-no-cong-sau-nhieu-tranh-cai/866247.vnp