- ĐB Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt; sự cần thiết của việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt…
Thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐB Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) đặc biệt đến khoản vay đặc biệt được quy định tại Điều 146 của dự thảo luật.
Theo Đại biểu, Dự thảo luật lần này mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt, ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0% một năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt; sự cần thiết của việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt cũng như được chỉ định cho vay đặc biệt; đánh giá tác động của việc cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định này.
Ngoài ra, theo Đại biểu, chủ thể cho vay đặc biệt được bổ sung thêm so với luật hiện hành, gồm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng. Đồng thời, quy định thêm trong trường hợp số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được, hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống tuyển dụng nhân dân để xử lý. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có nguồn thu từ đóng quỹ của hội viên.
Vì vậy, Đại biểu đề nghị cần đánh giá thêm về vấn đề này để việc huy động nguồn vốn không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các hội viên cũng như ảnh hưởng đến khả năng xử lý các vấn đề phát sinh của các quỹ.
ĐBQH Trần Chí Cường - Đoàn Đà Nẵng phát biểu đóng góp cho Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị cần xem lại chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hay các quỹ tín dụng. “Có cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ này hay không hay chỉ thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của mình, nhất là chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp rủi ro ngân hàng phá sản.?” – ĐB đặt vấn đề.
Cũng quan tâm đến khoản cho vay đặc biệt, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, thẩm quyền cho vay đặc biệt là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Ngoài ra, có cân nhắc việc bảo hiểm được hạch toán giảm quỹ dự phòng, Ngân hàng Hợp tác xã giảm Quỹ an toàn hệ thống xử lý quỹ tiền cho vay đặc biệt không thu.
Đại biểu đề nghị quy định tổ chức tín dụng vay đặc biệt phải khoanh nợ vay đến khi nào thu hồi nợ được khách hàng sẽ hoàn trả lại, bởi nếu không quy định rõ sẽ không công bằng với các tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu thảo luận Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
Về tài sản đảm bảo cho vay đặc biệt, Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị phải là tài sản đảm bảo của khách hàng gửi cho tổ chức tín dụng.
“Không lý do gì khách hàng có tài sản đảm bảo mới được cấp tín dụng, ngược lại chủ thể vay đặc biệt lại không thế chấp lại tài sản đặc biệt của khách hàng mất khả năng thanh toán, phòng ngừa khách hàng trả vốn, lãi rồi mà tổ chức tín dụng không trả vốn lại cho tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt. Ngoài ra, phải áp dụng lãi suất cho vay đặc biệt từ mức 0% thành là 0% cũng nên cân nhắc nên áp dụng như luật hiện hành, tổ chức được vay đặc biệt cho khách hàng vay có lãi thì cũng phải trả lãi cho tổ chức đặc biệt.” – ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.