- Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2023, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, thị trường không có biến động bất thường, nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.
Bọ Công Thương cho biết, thời tiết đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu các mặt hàng đồ gia dụng làm mát tăng, mức sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng. Giá điện được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023 có thể tác động đến giá một số mặt hàng sử dụng nhiều điện để phục vụ sản xuất như thép, xi măng, giấy… trong thời gian tới.
Trong tháng 5, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm, rau củ nhìn chung có xu hướng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào. Riêng giá thịt lợn, đường, có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tăng. Giá nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng có xu hướng tăng, giảm đan xen do chịu ảnh hưởng của giá thế giới.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2023, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, thị trường không có biến động bất thường, nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà mặc dù có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm do sức tiêu thụ chậm, tuy nhiên đến tháng 5 giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen.
Trong tháng 5 có chuỗi ngày nghỉ lễ nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao hơn tháng trước. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu Bộ Công Thương cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây (tuy nhiên nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 8,3% - chỉ bằng tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018) và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,8%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.993,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.
Tính theo địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,1%.
Minh Ngọc