- Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kêu gọi các ngân hàng thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đẩy nhanh việc rút khỏi thị trường Nga do rủi ro kinh doanh gia tăng tại quốc gia bị trừng phạt này, hãng tin Reuters mới đây đưa tin.
Hãng tin Reuters trích lời giám đốc giám sát của ECB Andrea Enria cho biết, vấn đề rút khỏi thị trường Nga đã mang một ý nghĩa mới sau cuộc binh biến xảy ra hồi cuối tuần vừa rồi của công ty quân sự tư nhân Wagner.
Trong một lá thư gửi cho các thành viên của Nghị viện Châu Âu, ông Enria cho biết ECB đã “thúc giục các ngân hàng này đẩy nhanh các chiến lược thu hẹp quy mô và rút lui khỏi thị trường bằng cách áp dụng các lộ trình rõ ràng và bằng cách thường xuyên báo cáo với các cơ quan quản lý của họ cũng như báo cáo với Cơ quan Giám sát Ngân hàng ECB về việc thực hiện các kế hoạch đó." Vị quan chức của ECB chỉ ra những rủi ro về uy tín, pháp lý và tài chính liên quan đến việc kinh doanh với Moscow.
Ông Enria trước đó đã thừa nhận rằng các chi nhánh của các ngân hàng EU ở Nga đã hạn chế hoạt động của họ và chẳng hạn như không còn cấp các khoản vay mới nữa. Ông Enria cũng thừa nhận rằng quá trình thoái vốn khỏi Nga ngày càng trở nên khó khăn do luật mới bao gồm việc yêu cầu phải được sự chấp thuận của Tổng thống Putin.
Một số ngân hàng nước ngoài đã rời khỏi Nga trong năm qua trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây được tung ra sau khi Moscow bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, một số ngân hàng, bao gồm những ngân hàng đến từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vẫn tiếp tục hoạt động trong nước Nga. Các ngân hàng này bao gồm Raiffeisenbank và UniCredit Bank, là các công ty con của ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo và UniCredit của Ý. Cả hai đều đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, cho phép thanh toán bằng đồng euro đến và đi từ đất nước này. Đây cũng là các tổ chức nước ngoài duy nhất trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của ngân hàng trung ương Nga.
Ngân hàng Raiffeisen đã thông báo vào tháng 4 rằng họ đang xem xét bán doanh nghiệp của mình ở Nga, nhưng cảnh báo rằng họ sẽ chịu tổn thất đáng kể nếu quyết định thoái vốn khỏi quốc gia này. Chủ tịch Ban kiểm soát của ngân hàng - ông Erwin Hameseder vào thời điểm đó đã miêu tả những người chỉ trích công việc của công ty ở Nga là “kiêu ngạo về mặt đạo đức” và cáo buộc họ là “tư duy đen trắng”. Ông tuyên bố rằng hầu hết các doanh nghiệp phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động ở nước này bất chấp các lệnh trừng phạt và khủng hoảng địa chính trị.
Giám đốc điều hành Raiffeisen - ông Johann Strobl gần đây cho biết ông đang làm việc “hết sức lực” để tìm kiếm một giải pháp khi ngân hàng đang tìm cách trao chi nhánh tại Nga cho các cổ đông trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ EU buộc họ phải rời khỏi quốc gia bị trừng phạt.