Theo lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), giá năng lượng của Đức cao đến mức các công ty tư nhân quy mô gia đình cân nhắc rời khỏi Đức để tránh gia tăng chi phí.
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), Siegfried Russwurm, giá năng lượng của Đức cao đến mức một số công ty đang cân nhắc rời khỏi nước này để tránh gia tăng chi phí.
Không những vậy, các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo của Đức cũng gây trở ngại cho các công ty.
Ông Russwurm cho biết nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động tốt trên toàn cầu, nhưng tại quê hương họ lại gặp phải rất vô số rào cản, như tệ quan liêu và quản lý trì trệ. Giờ đây, các rào cản đang “phình to” bao gồm cả áp lực về chi phí năng lượng tăng cao. Điều này khiến các công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân quy mô gia đình, cân nhắc rời khỏi Đức.
Phát biểu của nhà lãnh đạo BDI tương đồng với những gì mà Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đề cập đến trong Hội nghị “Ngày công nghiệp” tổ chức tại thủ đô Berlin ngày 20/6.
Bộ trưởng Habeck cho biết các công ty đang tìm cách chuyển ra khỏi Đức do áp lực giá năng lượng ngày càng cao. Ông nói rằng “có những quyết định chính trị cần được đưa ra” để đối phó xu hướng tiêu cực nói trên.
Năm 2022, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá điện và khí đốt trên khắp châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục. Chi phí năng lượng ở mức “cao ngất ngưởng” đã góp phần gây ra lạm phát cao dai dẳng trên khắp châu Âu và các châu lục khác.
Vào tháng 5/2023, chính phủ Đức thông báo kế hoạch dành 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) mỗi năm để trợ giá điện cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp khi giá điện tăng cao. Ông Habeck nói chính phủ Đức mong muốn giữ chân các ngành công nghiệp, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2023, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng của Đức “ít nhiều đã được giải quyết” nhờ “sức mạnh vốn có” của các doanh nghiệp, cho phép nước này phục hồi sau cú sốc kép của đại dịch và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông nói ngành công nghiệp Đức có khả năng tốt để đối phó với tình hình. Các doanh nghiệp nội địa sẽ đủ sức vượt qua khó khăn và sẽ nhanh chóng quay trở lại mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, trong một báo cáo phát hành ngày 19/6, BDI dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2023 sẽ không thay đổi so với năm trước. Triển vọng tăng trưởng GDP bằng 0 của Đức và tăng 2,7% của toàn cầu cho thấy quốc gia châu Âu này đang tụt lại phía sau.
Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Đức phát hành ngày 25/5 cho thấy GDP quý I/2023 của Đức đã được điều chỉnh giảm, xuống còn -0,3% thay vì dự báo bằng 0 như trước đây, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái kỹ thuật (hai quý giảm liên tiếp)./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/mot-so-cong-ty-dang-can-nhac-roi-khoi-duc-do-gia-nang-luong-cao/870917.vnp