PGS.TS. Đỗ Hoài Linh dự đoán trong nửa cuối năm, lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm xuống 7,5 - 8%.
Lãi suất điều hành chính thức giảm, lần thứ 4 kể từ đầu năm tới nay. Một tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Câu chuyện được quan tâm nhất trong tuần qua là quyết định giảm lãi suất lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chịu áp lực tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, việc Việt Nam chủ động hạ lãi suất được nhìn nhận là bước đi linh hoạt, chủ động nhằm hỗ trợ tốt hơn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Giảm lãi suất từ 0,25 - 0,5%/năm
Nếu những lần trước bước giảm lãi suất đều từ 0,5 - 1%/năm thì lần này mức độ điều chỉnh có phần thận trọng hơn, khi giảm từ 0,25 - 0,5%/năm.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn… giảm thêm 0,5%. Riêng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng giảm 0,25% xuống còn 4,75%/năm.
Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí) |
Nếu ví mỗi quyết định tăng hay giảm lãi suất với những bậc thang này, nhà điều hành đã phải rất đau đầu với mỗi bước đi. Nếu cuối năm 2022, dưới áp lực tăng lãi suất của hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải tăng lãi suất điều hành 2 lần, với mức tăng từ 0,5 - 2%/năm.
Đến năm nay, ngay từ giữa tháng 3, cơ quan này đã bắt đầu đảo chiều chính sách, giảm lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%/năm để thăm dò phản ứng của thị trường. Liên tục trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm thêm các mức lãi suất khác, cả lãi suất tiền gửi, trần cho vay ưu tiên, lãi suất tái cấp vốn. Tổng mức giảm sau 4 lần từ 0,5 - 2%/năm.
Mức giảm này đưa mặt bằng lãi suất điều hành quay trở về tương đương với thời điểm năm 2020, khi cơ quan này đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
"Nếu năm 2022, các nước tăng rất nhiều, trước áp lực của tỷ giá lúc đó buộc phải tăng lãi suất để giải quyết được cung cầu vốn của nền kinh tế thời điểm đó, ảnh hưởng của thị trường vốn trung và dài hạn, thị trường trái phiếu và chứng khoán cũng có những ảnh hưởng. Đến đầu năm 2023, nhận thấy những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế trong kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng giảm lãi suất, thông điệp để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Có ý kiến cho rằng quyết định giảm lãi suất của Việt Nam vẫn còn hơi ngược chiều so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ, họ mới tạm dừng sau 10 lần tăng liên tiếp.
Nhận định về quan điểm trên, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: "Trước hết chúng ta thấy rằng bất kể một quyết định điều hành nào cũng đều chịu sự ảnh hưởng bởi 2 nhóm nhân tố. Thứ nhất là yếu tố nội tại của chính nền kinh tế Việt Nam và nhóm nhân tố thứ hai là diễn biến của nền kinh tế thế giới.
Nếu xét về bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới thì chúng ta thấy rằng rất khó lường và bất định. Nếu chúng ta căn cứ vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như GDP, lạm phát, thất nghiệp hay thu nhập thì nền kinh tế của Mỹ dường như đã đạt được hạ cánh mềm. Tuy nhiên, với các nước châu Âu, nền kinh tế của các quốc gia này vẫn đang ở trong đà giảm tốc và đặc biệt, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu như Đức đã chính thức rơi vào suy thoái.
Còn với Trung Quốc, những tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khá mạnh mẽ, sang đến quý II, những chỉ tiêu này lại giảm đáng kể so với kế hoạch, mục tiêu đề ra. Điều này dẫn đến việc điều hành lãi suất của các ngân hàng trung ương rất khác nhau trên thế giới. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp thì Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn tiếp tục tăng lần thứ 8 liên tiếp. Còn ở Trung Quốc, họ có những động thái để lần đầu tiên giảm các mức lãi suất điều hành từ tháng 8/2022 để nhằm thúc đẩy và hỗ trợ nền kinh tế của họ phát triển".
Theo bà Linh, xét về yếu tố nội tại thuộc nền kinh tế của Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I chỉ đạt 3,32% và chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong những tháng trở lại đây đều thấp hơn ngưỡng 50. Đây là những chỉ báo cho thấy khó khăn đã hiện hữu, do đó rất cần có những cái chính sách để thúc đẩy sự tăng trưởng.
"Vì vậy, xét về tổng thể vĩ mô của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, việc giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp này của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp và đúng đắn để hỗ trợ cho tăng trưởng", bà Linh nhận định.
Nhiều nguyên nhân khiến cung và cầu tín dụng lệch pha
Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến cung và cầu tín dụng, ngân hàng và người vay vốn chưa gặp được nhau. Hiện nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân mới tăng trưởng được khoảng 50% room tín dụng được phép. Còn nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước mới đạt khoảng 35% so với hạn mức được giao.
Nhiều ngân hàng cho biết họ phải đỏ mắt đi tìm khách hàng tốt để cho vay. Không ít doanh nghiệp ngân hàng muốn cho vay, nhưng vẫn kiên quyết trả lại vốn cho ngân hàng để tiết giảm chi phí vì đầu ra gặp khó. Trong khi doanh nghiệp sức khỏe yếu, ngân hàng không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu.
"Các doanh nghiệp gặp khó trong đầu ra, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì họ cũng thu hẹp sản xuất. Ví dụ như ở Bình Dương và Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ giảm dư nợ, các hợp đồng cũ có tiền về thì trả nợ, chưa có nhu cầu vay lại", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Phía doanh nghiệp lại cho rằng, mức lãi vay đang quá cao so với khả năng sinh lời. Như tại Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ, dù đã được giảm 0,5% lãi suất trong năm nay, nhưng vẫn chưa quay trở về trước thời điểm dịch COVID-19.
"Đầu vào giảm 1,5 - 2%, nhưng thực tế doanh nghiệp vay mới chỉ được giảm 0,5", ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ, cho biết.
"Tôi kỳ vọng doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận việc giảm lãi suất một cách dễ dàng hơn. Theo tôi, mức lãi suất dưới 10% và từ 7,5 - 8% là mức hợp lý,ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, nêu quan điểm.
Giới phân tích cho rằng việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ từ 2 - 3 tháng bởi hiện giá vốn đầu vào của ngân hàng (lãi suất huy động) vẫn chịu mức cao hơn từ các khoản tiền gửi chưa tới hạn.
Ngân hàng, hay doanh nghiệp đều có những cái khó của riêng mình. Trong buổi họp báo tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này và cho biết dù các ngân hàng thương mại không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng để cùng tìm giải pháp tiết giảm chi phí, hướng tới việc giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất cho vay theo định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
"Ngay cả khi điều hành chính sách lãi suất tăng lên cũng có độ trễ mà giảm xuống cũng có độ trễ. Những độ trễ trong điều kiện khó khăn của doanh nghiệp làm sao cần thúc đẩy nhanh hơn. Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng muốn đẩy tín dụng lên nhưng tăng tín dụng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng bất chấp câu chuyện tín dụng đó có lành mạnh hay không trong tương lai, mà phải tăng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng, hiệu quả của tín dụng đối với nền kinh tế. Đó là bài toán khó. Tuy nhiên việc làm sao đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng", Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định.
Dự đoán mặt bằng lãi suất nửa cuối năm
Dự đoán về mặt bằng lãi suất trong nửa cuối năm, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh cho biết: "Theo nhận định của ngân hàng HSBC, trong quý III của năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành thêm khoảng 50 điểm cơ bản. Những sự lan tỏa đó cộng với độ trễ được khắc phục, tôi dự đoán từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm xuống 7,5 - 8%. Như vậy, sức chịu đựng cũng như khả năng hấp thụ, việc chuẩn bị cho chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ được tốt hơn.
Tuy nhiên, một yếu tố cần phải lưu ý là khi giảm lãi suất không vô hình trung tạo ra những nguồn vốn rẻ, chúng ta sẽ phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này để đảm bảo nguồn vốn này thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, để tránh vốn phân bổ quá nhiều vào những lĩnh vực đầu tư gây ra rủi ro và mất an toàn của hệ thống".
Việc giảm lãi suất cần nỗ lực không chỉ của ngân hàng, mà còn cần nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, người vay vốn. Doanh nghiệp cần tìm kiếm các hướng đi mới, tăng hiệu quả kinh doanh, để đảm bảo khả năng trả nợ mới dễ dạng tiếp cận nguồn vốn. Trong khi ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí, chia sẻ, cùng người vay vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/lai-suat-cho-vay-binh-quan-co-the-giam-xuong-75-8-20230625110819776.htm